Trần kính đối với sự nghiệp của nữ giới

Trần kính đối với sự nghiệp của nữ giới

 

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 1-4 có bài “Phụ nữ không nên tự giam hãm mình”, đề cập sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý với rào cản “bức trần kính”.

Bàn về vấn đề này, có thể thấy lĩnh vực phụ nữ tham chính ở nước ta vẫn đang trong cảnh “đường xa, gánh nặng”.

 


Nhóm nữ trí thức trẻ trong hoạt động của dự án nâng cao vai trò phụ nữ trong cộng đồng - Ảnh: Châu Anh

 

Bản chất của “bức trần kính” chính là định kiến giới, nó vừa hữu hình vừa vô hình.

Có thể nhận diện ở những khía cạnh sau đây:


“Trần kính” hữu hình: thể hiện ở các văn bản chính sách, luật pháp gây bất lợi cho phụ nữ. Ví dụ quy định độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng thì tuổi phụ nữ thường trẻ hơn nam giới năm năm. Có thể những người xây dựng chính sách quan niệm vì tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ít hơn nam giới năm năm nên cứ việc áp dụng khung tuổi này vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điều này cũng được thể hiện ở quy trình quy hoạch cán bộ nguồn. Với chính sách thiếu sự nhạy cảm giới như vậy phụ nữ luôn thiệt thòi, nhiều chị em rơi vào tình huống “cánh cửa đóng lại” trước khi cơ hội được mở ra.


Các nhà nữ quyền trên thế giới, khi phân tích rào cản phụ nữ trên con đường tham chính, đã đưa ra quan điểm “trần kính” (glass ceiling), hàm ý có những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong tiến trình bình đẳng giới. Vì “trần kính” trong suốt nên phụ nữ không nhìn ra giới hạn của sự phát triển mà xã hội và nam giới đặt ra cho chị em, do vậy sẽ “đụng trần” và rớt xuống nếu muốn “vươn lên cao, bay lên cao”.

 

“Trần kính” vô hình: hiện diện từ gia đình đến cộng đồng và xã hội. Đó là quan niệm phụ nữ không có khả năng lãnh đạo như nam giới (!?), là sự khắt khe trong đánh giá, bổ nhiệm và đề bạt phụ nữ. Việc áp dụng chuẩn mực kép trong quan hệ giới tạo nên bất công đối với phụ nữ ở mọi lĩnh vực trong gia đình và ngoài xã hội. Một bộ phận không nhỏ những người chồng không ủng hộ vợ làm quản lý, thậm chí còn không chấp nhận vợ có địa vị xã hội cao hơn mình.


Nhiều rào cản vô hình này có nguồn gốc từ tư tưởng trọng nam. Bên cạnh đó cũng đừng quên rằng tâm lý mặc cảm, tự ti của phụ nữ, cộng thêm sự đố kỵ “níu áo nhau” trong giới nữ cũng chính là chị em tự kéo rào chặn lối trên con đường đi của chính mình. Mới đây có một nghiên cứu về phụ nữ tham chính khảo sát cán bộ nữ tại năm tỉnh cho kết quả đáng chú ý: có đến 40% “không phục tùng nữ lãnh đạo như với nam”, 32% coi thường năng lực của phụ nữ...Phụ nữ chiếm gần 51% dân số cả nước, nếu tất cả cử tri nữ đều bầu cho ứng viên nữ thì cơ hội trúng vào các cơ quan dân cử của nữ giới sẽ tăng lên nhiều hơn. Tiếc rằng có vẻ như nhiều chị em cũng không ủng hộ phụ nữ làm lãnh đạo?


Với những rào cản vô hình và hữu hình được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, cho thấy đường xa, gánh nặng trên tiến trình bình đẳng giới nói chung và tăng tỉ lệ phụ nữ tham chính nói riêng. Mặc dù vậy, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp xã hội là cần thiết và đòi hỏi một quá trình dài lâu, thì việc có thể làm ngay là thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.


PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, Hà Nội)

*Tiêu đề do dự án đặt lại

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Lượt truy cập
  • Hôm nay 994
  • Tổng lượt truy cập 5,799,790