Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)

Lời giới thiệu

 

Ngày 18/12/1979, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn. Ngày 3/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, Công ước này bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. Theo Uỷ ban CEDAW, tính đến tháng 3/2005 đã có 180 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước vào 29/7/1980 phê chuẩn vào 27/11/1981. Tuân thủ quy định của Công ước, trong suốt những năm qua, Việt Nam đã tích cực tổ chức thực hiện và hoàn thành các báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Công ước để trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Năm 2001, chúng ta đã bảo vệ thành công các báo cáo quốc gia lần thứ 2, 3 và 4 và được Uỷ ban CEDAW đánh giá là tiến hành nội luật hoá CEDAW khá thành công vì mục tiêu nâng cao quyền của phụ nữ trên thực tế.

 

Những nỗ lực phân bổ nguồn lực nhằm đạt sự tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho việc thực hiện Công ước ở Việt Nam đã được Uỷ ban hoan nghênh. Tháng 6/2005, Báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW đã được đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.

 

 

Có thể nói, sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Uỷ ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW). Uỷ ban được thành lập năm 1946 nhằm giám sát địa vị và nâng cao quyền lợi của phụ nữ. Hoạt động của Uỷ ban đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở những nơi mà phụ nữ chưa được bình quyền như nam giới. Kết quả của những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự ra đời một số tuyên bố và điều ước quốc tế, trong đó CEDAW là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ.

 

 

Tinh thần của Công ước được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm nhân cách, phẩm giá và các quyền cơ bản của con người cũng như quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Công ước không chỉ giải thích rõ ý nghĩa của bình đẳng mà còn chỉ ra phương thức giành quyền bình đẳng đó.

 

 

Trong phần mở đầu, Công ước thừa nhận một cách rõ ràng rằng "sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi" và nhấn mạnh sự phân biệt đối xử "vi phạm các nguyên tắc về quyền bình đẳng, xúc phạm tới nhân phẩm con người". Sự phân biệt đối xử đã được định nghĩa ở Điều I là "bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính... trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác". Bản Công ước còn khẳng định rõ: tất cả các hình thức phân biệt đối xử đều bị lên án và các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp, bao gồm cả biện pháp pháp luật, nhằm bảo đảm cho phụ nữ được thực hiện và thụ hưởng đầy đủ quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới (Điều 2 và 3).

 

 

Các nội dung về bình đẳng được lần lượt quy định rõ ở 13 điều tiếp theo, từ Điều 4 đến Điều 16 và đề cập tới mọi khía cạnh đời sống của người phụ nữ. Quyền công dân và địa vị hợp pháp của phụ nữ được nêu rất chi tiết. Hơn nữa, không giống như các điều ước khác về nhân quyền, Công ước đã khẳng định quyền sinh sản của phụ nữ, nhấn mạnh tới yếu tố văn hoá và truyền thống bởi đó là những yếu tố hình thành nên vai trò giới và các mối quan hệ trong gia đình.

 

 

Các quyền lợi cơ bản về chính trị không hề giảm đi kể từ khi Công ước về quyền chính trị của phụ nữ được thông qua vào năm 1952. Ngược lại, các điều khoản này được tuyên bố một cách rõ ràng hơn trong Điều 7 của Công ước, nhờ đó phụ nữ được đảm bảo quyền bầu cử, tham gia lãnh đạo trong cơ quan nhà nước và quyền thực thi các trách nhiệm xã hội của mình. Điều 8 quy định phụ nữ có cơ hội làm đại diện cho chính phủ ở cấp quốc tế và tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế. Công ước về Quốc tịch của phụ nữ đã kết hôn- thông qua năm 1957 - được tổng hợp trong Điều 9 nhằm nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ trong vấn đề quốc tịch, không lệ thuộc vào tình trạng hôn nhân. Lần lượt các Điều 10, 11 và 13 khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm, kinh tế và các hoạt động xã hội. Điều 14 đòi hỏi các quốc gia đưa những vấn đề đặc biệt của phụ nữ nông thôn và vai trò quan trọng của họ trong đời sống gia đình vào trong quá trình hoạch định chính sách. Điều 15 yêu cầu sự bình đẳng toàn diện cho phụ nữ trong lĩnh vực dân sự và kinh doanh, cụ thể là bất kỳ phương thức trực tiếp nào làm hạn chế năng lực pháp lý của phụ nữ "sẽ bị coi là vô giá trị và không có hiệu lực thi hành". Cuối cùng, trong Điều 16, Công ước đề cập tới quan hệ hôn nhân và gia đình, khẳng định quyền bình đẳng và nghĩa vụ của phụ nữ và nam giới trong việc lựa chọn bạn đời, làm cha mẹ, quyền nhân thân và làm chủ mọi tài sản của mình.

 

 

Bên cạnh vấn đề quyền công dân, Công ước cũng chú trọng tới vấn đề sống còn của phụ nữ, đó là quyền sinh sản của họ. Trong phần mở đầu, Công ước tuyên bố vai trò của phụ nữ trong việc sinh đẻ không thể là cơ sở của sự phân biệt đối xử. Mối ràng buộc giữa phân biệt đối xử và vai trò sinh sản của phụ nữ là vấn đề thường xuyên được đề cập trong Công ước này. Ví dụ, trong Điều 5, Công ước thừa nhận sự hiểu biết đúng đắn nghĩa vụ làm mẹ như một chức năng xã hội và đòi hỏi cả 2 giới phải chia sẻ trách nhiệm một cách đầy đủ trong việc nuôi dạy con. Bởi vậy, các điều khoản về bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em được nêu ra như những quyền cốt yếu và được quy định nhất quán trong mọi lĩnh vực của Công ước, kể cả lĩnh vực việc làm, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khoẻ hay giáo dục. Trách nhiệm của xã hội là thúc đẩy các loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới có thể kết hợp thực hiện nghĩa vụ gia đình và công việc cơ quan (Điều 11.2c). Các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm nhanh chóng thúc đẩy sự bình đẳng trên thực tế của phụ nữ và nam giới và bảo vệ người mẹ được thông qua "sẽ không bị coi là sự phân biệt đối xử" (Điều 4). Công ước cũng khẳng định quyền quyết định sinh con. Đây là văn kiện duy nhất về quyền con người đề cập đến vấn đề kế hoạch hoá gia đình. Trách nhiệm của các quốc gia trong việc tư vấn kế hoạch hoá gia đình thông qua hệ thống giáo dục và củng cố pháp luật hôn nhân gia đình nhằm bảo vệ quyền phụ nữ được quyết định một cách có trách nhiệm và tự nguyện về số con, khoảng cách giữa các lần sinh, quyền tiếp cận với thông tin, giáo dục và các phương tiện để họ có thể thực hiện những quyền này đã được quy định ở Điều 10h và 16e.

 


Sức mạnh tổng hợp của Công ước CEDAW là sự tăng cường hiểu biết về các quyền con người, nhận thức đúng đắn ảnh hưởng của văn hoá và truyền thống đến việc thụ hưởng những quyền cơ bản của phụ nữ. Các khuôn mẫu, tập quán và các chuẩn mực văn hóa khác nhau mang lại sự đa dạng hoá hệ thống luật pháp, chính trị, kinh tế và trong nhiều trường hợp làm kìm hãm sự tiến bộ của phụ nữ. Nhận thức được mối quan hệ tương hỗ này, Công ước nhấn mạnh: sự thay đổi vai trò truyền thống của nam giới cũng như của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội là cần thiết để đạt được sự bình đẳng đầy đủ giữa nam và nữ. Do vậy, việc tham gia Công ước của các quốc gia tựu trung ở nghĩa vụ và hành động để hướng tới sự đổi mới các chuẩn mực văn hoá, xã hội, đạo đức cá nhân nhằm xóa bỏ những định kiến, tập tục và thói quen do tư tưởng cho giới này là hơn, giới kia là kém hay vai trò rập khuôn của nam giới và phụ nữ (Điều 5). Và Điều 10.c yêu cầu sửa đổi sách giáo khoa, chương trình học tập và phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông với mục đích loại trừ những khái niệm lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục. Nhìn chung, Công ước đã cung cấp một nguyên lý toàn diện nhằm loại trừ sự phân biệt giới tính dưới mọi hình thức đã được đề cập.

 

 

Ủy ban CEDAW chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Công ước này. Các nội dung hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của ủy ban được nêu từ Điều 17 đến Điều 30. ủy ban gồm có 23 chuyên gia độc lập, do các chính phủ đề cử và được các nước tham gia bầu lên, là những người có uy tín cao và thông thạo về lĩnh vực được nêu trong Công ước.

 

 

Ít nhất 4 năm 1 lần, các nước tham gia Công ước cần phải đệ trình báo cáo quốc gia cho Tổng thư ký Liên hợp quốc và ủy ban sẽ tiến hành xem xét các biện pháp mà quốc gia đó đã tiến hành để thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước. Trong các phiên họp thường kỳ của mình, các thành viên của ủy ban thảo luận về những báo cáo này với đại diện của các chính phủ và cùng họ xem xét tỷ mỉ mọi vấn đề cho chương trình hành động tiếp theo phù hợp với hoàn cảnh của từng nước. ủy ban cũng đưa ra những khuyến nghị đối với các nước thành viên nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Công ước.

 

Toàn văn Công ước tải ở đây: conguocvexoabomoihinhthucphanbie.pdf


 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 1350
  • Tổng lượt truy cập 1,473,013