Diễn đàn quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển

Diễn đàn quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển

 

Ngày: 6 tháng 10 năm 2015

Địa điểm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thụy Khuê, Hà Nội

Sự kiện: Diễn đàn quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển

 

 

Thưa Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

 

Thưa Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Thưa các vị Đại sứ

 

Thưa các vị đại biểu đến từ các bộ ban ngành Trung ương, các viện nghiên cứu và xã hội dân sự

 

Thưa các đồng nghiệp đến từ Liên hợp quốc

 

Thưa các vị đại biểu,

 

Tôi vô cùng vinh dự được phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển và cùng các quý vị kỷ niệm 85 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam cũng như những thành tựu to lớn và vai trò không thể thiếu của Hội trong quá trình phát triển đất nước và sự tham gia của phụ nữ.

 

Năm 2015 cũng đánh dấu 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Hôm nay, chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng Hội LHPN kỷ niệm những tiến bộ toàn cầu đạt được trong bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Năm 1979, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã phê chuẩn CEDAW, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Công ước này còn được gọi là “Bộ luật về quyền phụ nữ” bởi đây là công cụ quốc tế đầy đủ toàn diện nhất bảo vệ nhân quyền của nữ giới. Công ước này đưa ra định nghĩa về phân biệt đối xử đối với phụ nữ và thiết lập các nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia tham gia phê chuẩn để chấm dứt phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Tôi xin chúc mừng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Công ước CEDAW. Như các quý vị đã biết, cách đây 20 năm, vào năm 1995 Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã được thông qua với một kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy thực hiện quyền của phụ nữ. Cách đây 15 năm, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1325 mang tính lịch sử về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Nghị quyết công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình bền vững và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng hòa bình và bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực trên cơ sở giới.

 

Chúng ta cũng biểu dương những đóng góp to lớn của các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) cho sự phát triển của nhân loại và đặc biệt là bình đẳng giới. Tôi xin chia sẻ với quý vị một vài số liệu thống kê đáng chú ý trích dẫn từ Báo cáo MDG 2015. Đáng chú ý nhất là từ năm 1993 đến nay, hơn 45% dân số Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo. 100% trẻ em được tham gia giáo dục tiểu học và tỷ lệ nhập học ở nam và nữ gần như ngang bằng nhau. Tỷ lệ tử vong thai sản giảm ¾ kể từ năm 1990, và đến nay có thể nói hàng nghìn bà mẹ đã được cứu sống. Những kết quả này đạt được là nhờ các can thiệp quốc gia được đưa ra dựa trên MDG.

 

Những kết quả này là minh chứng cho một hành trình đáng kinh ngạc – trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam – kể từ đầu những năm 2000 khi các mục tiêu MDG lần đầu được thông qua. Nhưng cuộc hành trình này vẫn chưa dừng lại tại đây.

 

Như các quý vị đã biết, Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức phê chuẩn một khuôn khổ hành động mới, mang tên “Chuyển đổi thế giới của chúng ta, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Chương trình nghị sự mới bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), cùng 169 chỉ tiêu cụ thể để xóa bỏ đói nghèo, đấu tranh với bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy các xã hội hòa bình toàn diện trong 15 năm tới. Bình đẳng giới được lồng ghép vào tất cả các mục tiêu, đồng thời cũng là một mục tiêu riêng – Mục tiêu 5. Như Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã tuyên bố, những mục tiêu này thể hiện “một tầm nhìn phổ quát, tổng hợp và mang tính chuyển biến vì một thế giới tốt đẹp hơn” để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

 

Hội LHPN được thành lập năm 1930 với phụ nữ, hòa bình và phát triển là những nội dung cốt lõi trong sứ mệnh của hội. Với hơn 15 triệu thành viên, rất ít tổ chức phụ nữ trên thế giới đạt được quy mô lớn như Hội LHPN Việt Nam. Hội là xương sống của phong trào phụ nữ và đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ trong mọi lĩnh vực xã hội. Thông qua các sáng kiến ​​rộng khắp bao gồm cấp các khoản vay cho các nữ doanh nhân, các lớp học về sức khỏe và dinh dưỡng, đào tạo nghề, chương trình xóa mù chữ, Hội đóng một vai trò quan trọng trong trao quyền kinh tế cho phụ nữ, xóa đói giảm nghèo và tham gia bảo vệ môi trường.

 

Hội góp phần rất lớn trong công tác lồng ghép bình đẳng giới vào pháp luật. Từ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1960, có các điều khoản cấm cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, đánh đập hoặc ngược đãi vợ, cho tới các luật gần đây như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Hội LHPN luôn ủng hộ quyền phụ nữ.

 

Chương trình nghị sự giới, hòa bình và phát triển được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Hội và có vị trí đặc biệt trong quá trình tạo ra những chuyển biến quan trọng. Trên tinh thần này, tôi xin kiến nghị ba đề xuất dựa trên những khuyến nghị cập nhật nhất của Ủy ban CEDAW.

 

Thứ nhất, cần kêu gọi sự thay đổi trong nhận thức và thái độ cổ xúy văn hoá trọng nam và các định kiến giảm nhẹ vai trò, vị thế của phụ nữ. Những định kiến tiêu cực này làm giảm tác động của các luật tiên tiến, kìm hãm phụ nữ phát huy tối đa khả năng của mình và tạo ra tình trạng bất cân xứng về quyền lực. Trên toàn thế giới, nhiều phụ nữ kết hôn bị bạo hành từ chính người bạn đời của mình. Bạo hành tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như các quyền đối với nữ giới vẫn còn phổ biến. Tình trạng trọng nam dẫn tới thực trạng mất cân bằng giới tính, ở Việt Nam trung bình cứ 113 bé trai được sinh ra thì chỉ có 100 bé gái và ở một số nơi tỷ lệ này là 120 bé trai trên 100 bé gái. Nếu không có các biện pháp chiến lược nhằm thay đổi những tiêu chuẩn xã hội và thái độ này, bình đẳng và phát triển toàn diện tại các cộng đồng cũng như các mục tiêu SDG sẽ khó có thể đạt được. Với mạng lưới vững mạnh ở cấp cơ sở, Hội LHPN có vị thế đặc biệt trong việc xóa bỏ những định kiến hạn chế và bó buộc nữ giới, nam giới và cộng đồng.

 

Thứ hai, cần cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ quan trọng như nhà tạm lánh và hỗ trợ pháp lý. Đối với bạo hành gia đình, nghiên cứu cho thấy 77% số vụ bạo hành gia đình chưa được các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý quan tâm, và trong số các vụ bạo hành gia đình được đưa ra xét xử, chỉ có 1% số vụ, thủ phạm gây bạo hành bị kết tội. Đây là một phát hiện đáng báo động, yêu cầu cần có những can thiệp, hành động kịp thời. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây trong Hội nghị Lãnh đạo Toàn cầu đã phát biểu Việt Nam “cam kết ưu tiên mọi nguồn lực để từng bước xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đặt ra mục tiêu 50% nạn nhân của bạo hành gia đình có trình báo được hưởng các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe.” Hội LHPN có vị trí quan trọng trong việc yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ của nhà nước và tăng phân bổ nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống bạo hành gia đình để tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Hơn nữa, với mạng lưới thành viên rộng khắp cả nước, Hội có thể nâng cao nhận thức của cả nam giới và nữ giới về quyền của phụ nữ để hướng đến môi trường sống phi bạo lực đối với nữ giới.

 

Cuối cùng, cần phải tập trung mọi nguồn lực để xoá bỏ các rào cản đã và đang cản trở phụ nữ tham gia vào chính trường cũng như nắm giữ các vị trí lãnh đạo một cách bình đẳng. Quy định về tuổi nghỉ hưu không bằng nhau giữa nam và nữ trong Luật Lao động, cơ chế xét tuyển và thăng chức ưu tiên nam giới, cùng sự thiếu trách nhiệm của nam giới trong những việc chăm sóc không được trả công là một vài yếu tố hạn chế sự tiến bộ của nữ giới cũng như sự phát triển của quốc gia. Hội LHPN sẽ đóng vai trò cốt yếu trong kỳ bầu cử sắp tới để đảm bảo phụ nữ có thể tham gia đầy đủ trong chính trị. Hội LHPN có ưu thế trong việc tiến cử những phụ nữ có năng lực phẩm chất cũng như đàm phán với Hội đồng Bầu cử nhằm đảm bảo ít nhất 35% phụ nữ có tên trong danh sách bầu cử cuối cùng. Cần phải thay đổi tình trạng giảm sút số lượng nữ giới đại diện trong chính trị và chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này ở cuộc bầu cử năm 2016.

 

Thưa các quý vị, chúng ta đang ở thời điểm vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng một thế giới bình đẳng. Điều này không thể thực hiện được nếu thiếu sự tham gia của nam giới. Nam giới phải trở thành những người tiên phong vì bình đẳng giới. Chúng tôi vô cùng vinh dự khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết trở thành một lãnh đạo tiên phong trong phong trào HeForShe tại Hội nghị Liên hợp quốc tại New York. Chúng ta cần nhiều nam giới hơn nữa tiên phong cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ.

 

Kỷ niệm 85 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam là một cơ hội tốt để chúng ta cùng tôn vinh những nỗ lực to lớn của lãnh đạo và thành viên Hội LPHN trong công cuộc phát triển đất nước và cộng đồng. Chúng tôi xin kính chúc Hội LHPN đạt được nhiều thành công hơn nữa trong công cuộc xây dựng một tương lai tươi sáng và bình đẳng cho nữ giới và nam giới Việt Nam.

 

Tôi xin kính chúc các vị đại biểu cùng các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 

Xin cảm ơn!

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 2937
  • Tổng lượt truy cập 5,722,513