Bà Pratibha Mehta: "Nữ nên cầm tinh Hổ"

Bà Pratibha Mehta: "Nữ nên cầm tinh Hổ"

 

Bà Pratibha Mehta: "Nữ nên cầm tinh Hổ"

(HanoiTV) - "Mỗi phụ nữ nên cầm tinh con Hổ vì họ có thể có được những gì mình muốn", theo bà Pratibha Mehta, đại diện của Liên Hợp Quốc tại VN.

 

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt nam và Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển LHQ cho biết tại lễ trao giải Cuộc thi làm phim chung tay xoá bỏ định kiến giới "Bình thường hay bất thường" vào chiều 4/3 tại Hà Nội.

 


Bà Pratibha Mehta đưa ra nhận định trên sau khi xem xong bộ phim "Con yêu mẹ" của đạo diễn kiêm kịch bản gia Nguyễn Phương Phi. Bộ phim này cũng giành giải nhất cuộc thi. Đồng thời, nhân vật người con trong phim - bé Tâm cũng giành giải diễn viên xuất sắc nhất.

 


Bà Pratibha Mehta (phải) trao giải nhất cho bộ phim "Con yêu mẹ" của đạo diễn Nguyễn Phương Phi (trái). Ảnh: Dự án Lãnh đạo Nữ

 

Bộ phim "Con yêu mẹ" kể về một phụ nữ đã chịu định kiến giới từ khi sinh ra đến khi làm mẹ, thông qua cách nhìn của con gái cô. Vì là con gái, cô chịu sự ghẻ lạnh của bố từ khi mới chào đời. Vì là con gái, cô không được khuyến khích học cao. Vì là con gái sinh tuổi Dần, cô không thể cưới cha của con gái cô. Vì là con gái sinh tuổi Dần, người yêu cô không thể bảo vệ cô bước qua định kiến của mẹ. Tuy nhiên, bất chấp những định kiến, cô đã vươn lên thành một người thành đạt và trở thành niềm tự hào của con gái.


Bộ phim cho thấy những định kiến giới vốn được coi như bình thường (như coi nhẹ sự chào đời của bé gái, đánh giá thấp những đóng góp của nữ trong sự phát triển của gia đình và xã hội) trở thành bất bình thường và cần phải được xoá bỏ.


"Bộ phim khiến tôi nghĩ về những gì vợ tôi phải hi sinh khi tôi phải di chuyển nhiều nước để làm việc", ông Dennis Curry, trưởng phòng Quản trị công, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chia sẻ. "Tôi cũng nghĩ về những bất công dành cho con gái 5 tuổi của tôi. Tôi nghĩ về trách nhiệm chăm sóc con. Cô bé hiện là lãnh đạo trong nhà tôi"

 

Trong phim "Con yêu mẹ", một người cha cảm thấy xấu hổ khi ra đường vì không có con trai

 

Thông điệp "Bình thường hay bất bình thường" của cuộc thi được truyền tải rõ trong tám bộ phim còn lại tham gia tranh giải tại cuộc thi. Những bộ phim như "Cô lập" (giải Ba) và "Hãy để con giúp cha" (giải Nhì) cũng làm rõ những bất công phụ nữ phải chịu đựng trong gia đình và ngoài xã hội. Chẳng hạn như nữ không nên sửa xe hay nữ phải làm việc nhà giúp chồng. Những bất công này đang được coi là bình thường, trong khi, nữ cùng nam làm những việc mình thích cũng như giải quyết phong ba cuộc đời lại được coi là bất bình thường.

 

Cuộc thi làm phim với chủ đề “Bình thường hay Bất thường” - Chung tay xóa bỏ định kiến giới phát động từ tháng 12/2015 nhằm khuyến khích các nhà làm phim, các bạn trẻ và cộng đồng sản xuất những bộ phim ngắn, sáng tạo phản ánh những định kiến tiêu cực, những cách nhìn mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng ở nơi làm việc, trong gia đình và xã hội nói chung. Ảnh:  Dự án Lãnh đạo Nữ

 

"Chúng ta cần làm những định kiến tưởng như bình thường trở nên bất bình thường" - bà Tạ Bích Loan, người dẫn chương trình trao giải và đồng thời cũng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết: "Và cũng cần làm những điều bất bình thường trở nên bình thường" Bà Loan chia sẻ bà thường tự sửa xe đạp khi còn nhỏ vì xe hay tuột xích. Giám đốc kênh VTV6 thấy điều đó rất bình thường.

 

Định kiến giới làm khổ nữ đại gia

Cuộc thi không chỉ thu hút nữ thanh niên nói về những định kiến tác động xấu đến con đường phát triển của mình mà còn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của nam thanh niên đối với những bất công của xã hội dành cho nữ. Đạo diễn phim "Con yêu mẹ" và phim "Cô lập" đều là nam. "Ai cũng nghĩ nữ phải đấu tranh. Tuy nhiên, sự thấu hiểu và chia sẻ của đàn ông rất quan trọng", Nguyễn Hoàng, đạo diễn phim "Cô lập" cho biết. "Nam giới cần hiểu và thông cảm với phụ nữ"

 

"Định kiến giới tác động xấu đến cuộc sống của phụ nữ cho dù họ là ai và ở tầng lớp nào trong xã hội", theo đạo diễn phim "Cô lập" Nguyễn Hoàng.

 

Bộ phim "Cô lập" kể về một nữ đầu bếp phải từ bỏ ước mơ hành nghề để chăm sóc người chồng giầu có của mình. Mặc dù có một cuộc sống vật chất đầy đủ mà nhiều người mơ ước, cô vẫn không hạnh phúc. "Nhiều người nghĩ bất bình đẳng chỉ xảy ra ở tầng lớp bình thường, không ở tầng lớp cao hơn", Nguyễn Hoàng chia sẻ: "Những người phụ nữ ở tầng lớp trên cũng có những ước mơ riêng". Vì vậy, bộ phim "Cô lập" được xây dựng dưa trên ý tưởng: Định kiến giới tác động xấu đến cuộc sống của phụ nữ cho dù họ là ai và ở tầng lớp nào trong xã hội.


Bước đầu, những bộ phim này đã góp phần thúc đẩy suy nghĩ của thanh niên, đặc biệt là nam giới về những bất công hàng ngày trong xã hội được ẩn dưới vỏ bọc bình thường. Đồng thời, khuyến khích họ thay đổi cách nhìn về phụ nữ Việt Nam hiện đại.


"Thông thường, nhân vật nữ mạnh mẽ thường được xây dựng với hình ảnh tomboy nhưng nhân vật nữ trong phim "Hãy để con giúp cha" xinh đẹp và dịu dàng", Trần Ngọc Nam, nam sinh viên Khoa Báo chí, Đại học KHXH & NV cho biết. "Cô ấy tự mình sửa xe. Tôi nghĩ đó là hư cấu hợp lý và truyền đi thông điệp về hình ảnh của phụ nữ thế kỷ 21".


Trần Ngọc Nam bày tỏ mong muốn được tham gia xoá bỏ định kiến giới đối với nữ. Và ngay khi người dẫn chương trình Tạ Bích Loan hỏi ai muốn cùng Nam thực hiện công việc này, hàng chục cánh tay của những người tham dự đã giơ lên hưởng ứng.

 

Nhân vật nữ trong phim "Hãy để con giúp cha" đã tự sửa xe khi cha bị thương nặng.

 

Bộ phim "Hãy để con giúp cha" kể về cô gái đã giúp cha hoàn thiện chiếc xe máy mà ông mong muốn tặng cô. Để làm được điều này, cô phải vượt qua định kiến "sửa xe là việc của con trai" và "tay con gái phải luôn sạch". "Bộ phim gửi gắm điều mình muốn nói với khán giả, họ hãy bớt các định kiến dành cho nữ, cho bé gái", Ngô Thị Trang, đạo diễn bộ phim cho biết.


Cuộc thi làm phim với chủ đề “Bình thường hay Bất thường” - Chung tay xóa bỏ định kiến giới là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Bình thường hay bất thường” do Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” của Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi động.

 

 

Thuý Bình

 

(Nguồn: http://hanoitv.vn/Giai-tri/Ba-Pratibha-Mehta-Nu-nen-cam-tinh-Ho/60735.htv)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 716
  • Tổng lượt truy cập 5,934,263