Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai. Ảnh: VietnamNet
Bà Mai từng chia sẻ trăn trở của mình với Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên (lúc đó là chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).
"Trong một lần trình bày bình đẳng giới ở Văn phòng Chính phủ, tôi nói tôi không trả lời được câu hỏi: Vì sao cùng trình độ học hành như nhau (thậm chí nhiều trường hợp nữ còn có trình độ khá hơn), năng lực như nhau, quá trình phấn đấu như nhau nhưng đi lên thứ trưởng, đàn ông có thể kéo dài đến tuổi 60 nhưng nữ phải dừng lại ở tuổi 55", bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ băn khoăn của mình tại tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp" ngày 25/2.
Bà Trương Thị Mai chia sẻ băn khoăn của mình tại tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp". Ảnh: VOV Online |
Bình đẳng giới gợi mở câu trả lời
Bà Mai gọi sự khác biệt trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là bức tường, là rào cản có khả năng làm suy yếu những nỗ lực mà nước ta đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới. Đồng thời, phân biệt đối xử giới trên cho thấy con đường đi đến bình đẳng giới thực chất còn rất nhiều điều phải làm, phải bàn để vượt qua.
"Tôi, chị Chuyền (bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội - PV), chị Mehta (bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt nam và Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam - PV) chia sẻ cách nhìn chung: Tuổi nghỉ hưu là một cản trở rất quan trọng. Nếu chúng ta không phá vỡ được bức tường về tuổi nghỉ hưu bình đẳng đối với nam nữ thì thách thức vẫn còn đó", người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương Đảng khẳng định.
Khao khát tìm câu trả lời trên đã thôi thúc người con Quảng Bình nỗ lực không ngừng đấu tranh gỡ bỏ những rào cản hạn chế sự tham gia của nữ trong công tác xã hội và chính trị. Bởi vì, bà hiểu sự tiến bộ của nữ chính là sự đi lên của quốc gia. "Tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử luôn là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng, một mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị," nữ đại biểu Quốc hội bốn khoá liên tiếp (X - XIII) khẳng định: "Đây là một chỉ số đánh giá sự tiến bộ của từng quốc gia trong lĩnh vực này"
Để gỡ bỏ rào cản, ở bất kỳ cương vị nào, bà Mai cũng truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, bạn bè và đối tác quan tâm đến vấn đề giới và vai trò của nữ trong việc giải quyết những vấn đề nóng của cuộc sống.
Một tác phẩm xuất sắc của Cuộc thi Vẽ hý họa về Bình đẳng giới do UN Women Viet Nam và Đại sứ quán Bỉ tại VN tổ chức |
Với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Mai cùng các đồng sự thúc đẩy lồng ghép yếu tố giới trong các văn bản pháp luật. Nhờ đó, tăng số lượng văn bản tính đến sự khác biệt giới đến 260%. "Nhiệm kỳ Quốc hội 12 thông qua 15 đạo luật lồng ghép giới. Đến nhiệm kỳ này có khoảng 40 đạo luật lồng ghép giới", bà Mai cho biết. "Điều đó cho thấy sự quan tâm đối với bình đẳng giới ngày càng tăng lên, bà Hải Chuyền và tôi đã có năm bản báo cáo trình ra Quốc hội để đánh giá mục tiêu bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới thực hiện như thế nào".
Bên cạnh đó, người phụ nữ mạnh mẽ và đam mê bình đẳng luôn nhấn mạnh lợi ích mà xã hội có được khi tăng cường tiếng nói của nữ trong những vấn đề dân sinh. Hiện nay, nữ chiếm hơn 50% dân số nước ta. "Tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người về văn hoá, giáo dục, xã hội, môi trường", Uỷ viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai khẳng định.
Quân xanh có thể thay quân đỏ
Nhiều năm làm việc với nữ, nhiều năm theo dõi sự tiến bộ của nữ đã đưa người đứng đầu một cơ quan dân cử của Quốc hội đến đánh giá trình độ của nữ ngày càng tăng và nữ được tạo điều kiện học hành tốt hơn. Bản thân bà Mai cũng tự trang bị cho mình kiến thức quản lý qua nhiều chương trình đào tạo bài bản như các chương trình Thạc sĩ Hành chính công, Cử nhân Luật, Cử nhân lịch sử.
Tuy nhiên, chính trị gia Trương Thị Mai cũng hiểu những mặc cảm của riêng nữ cũng như sự phân biệt đối xử mà nữ đối mặt khi họ tham gia chính trường. "Khi chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn cho nữ tham gia các cơ quan dân cử, có em nói mặc cảm nói trong bảng này, chúng em là quân xanh", bà Mai nhớ lại: "Quân xanh cần phấn đấu thành quân đỏ. Trên thực tế, nhiều người nữ đứng vào bảng rất là khó khăn, nhưng chúng ta cần tin tưởng sự nỗ lực cá nhân và hỗ trợ của hệ thống chính trị có thể vượt quá khó khăn đó".
Một tác phẩm xuất sắc của Cuộc thi Vẽ hý họa về Bình đẳng giới do UN Women Viet Nam và Đạ i sứ quán Bỉ tại VN tổ chức |
Lý giải về hiện tượng quân xanh quân đỏ trong bầu cử, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến. Trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nữ ứng viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Nữ ứng cử viên thường phải xếp vào danh sách ứng cử cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn (thường là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn).
Trong thực tế, sự thành công trên con đường chính trị của người phụ nữ đất Quảng là một minh chứng cụ thể của sự vượt lên định kiến. Nói cách khác, niềm tin vào sự tiến bộ của nữ cũng như nhậy cảm giới của hệ thống chính trị đã giúp bà Mai vượt qua những định kiến xã hội, tự tin lãnh đạo một trong những cơ quan quan trọng nhất của Đảng, của Quốc hội. Bà là đại biểu Quốc hội khoá: X, XI, XII, XIII. Sự có mặt của bà trong Bộ Chính trị cho thấy cơ hội tham chính đang mở ra đối với nữ.
Cơ hội đó đang trở thành hiện thực tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, con số nữ có mặt trong danh sách ứng cử viên đại biểu đã được ấn định không dưới 35% và trong danh sách trúng cử ít nhất là 30%.
(nguồn: http://hanoitv.vn/Phong-su-Ky-su/Cau-hoi-kho-cua-Uy-vien-Bo-Chinh-tri/60890.htv)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi