Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN Việt Nam.
Đào tạo là con đường cơ bản để có nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội. Sau đào tạo, bồi dưỡng (còn gọi là đào tạo lại) đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung kiến thức, phương pháp giúp người được đào tạo cơ bản cải thiện, nâng cao năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm và vị trí chức danh thực tế.
Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được thực hiện từ năm 1960 với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động Hội sát với tình hình thực tế. Các hình thức bồi dưỡng, quy mô và phương pháp thực hiện được chia theo giai đoạn phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước và quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về công tác dân vận.
Công tác bồi dưỡng bao gồm các hoạt động ban hành văn bản về bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng và đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng.
Từ năm 1960 đến tháng 3/2017, trên cơ sở định hướng của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn về đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhiệm kỳ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn giai đoạn 2008 - 2012[1] và Đề án bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp nhiệm kỳ 2013 - 2017[2]. Các Đề án này đã góp phần quan trọng vào quá trình thay đổi nhận thức về vai trò trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ trong đào tạo bồi dưỡng và nâng cao năng lực cán bộ Hội.
Giai đoạn 1960 - 1975, Hội thực hiện kết hợp cả đào tạo và bồi dưỡng cho học viên không có điều kiện ràng buộc. Lớp học được tổ chức tập trung tại trung ương hoặc tại địa phương. Nội dung tập trung vào nghiên cứu về lý luận chính trị, nghiệp vụ phụ vận kết hợp bổ túc văn hóa.
Giai đoạn 1975 - 1985, Hội đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận cho cán bộ mới tham gia công tác hội, cán bộ nguồn, cán bộ kế cận với thời gian học 2 năm; thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho cán bộ đã qua đào tạo hoặc đã tham gia công tác Hội với thời gian từ 1 - 2 hoặc 3 tháng. Cán bộ Hội được quan tâm học bổ túc văn hóa vào buổi tối. Nội dung bồi dưỡng chú trọng kiến thức lý luận và thực tiễn đáp ứng công tác vận động phụ nữ.
Giai đoạn 1986 - 2012, Hội tiếp tục đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận, đồng thời phối hợp với 1 số trường đại học để đào tạo trình độ đại học cho cán bộ, công chức phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn tuyển sinh thực tế. Đồng thời, đã mở ngành công tác xã hội chuyên ngành công tác phụ nữ trình độ trung cấp. Nội dung bồi dưỡng đã có nhiều thay đổi, bên cạnh các nội dung về đường lối, chính sách, cơ chế quản lý mới, một số luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ trẻ em, Hội đã bổ sung thêm các nội dung mới về giới, bình đẳng giới, quản lý, lãnh đạo…Hoạt động bồi dưỡng tập trung vào nghiệp vụ công tác phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên với nhiều chuyên đề về công tác Hội, giới và phát triển, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, công tác xã hội, làm việc nhóm, kỹ năng vận động, tư vấn...Đây cũng là giai đoạn bồi dưỡng được thực hiện theo chức danh cán bộ, công chức từng cấp và Hội Phụ nữ Bộ Công an, Ban Công tác Phụ nữ quân đội.
Giai đoạn 2013 - 3/2017, chương trình, nội dung bồi dưỡng cho từng vị trí việc làm được hình thành theo định hướng chung phù hợp với quy định, kế hoạch chung của nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Các nội dung bồi dưỡng tiếp tục kế thừa giai đoạn trước và bổ sung thêm các kỹ năng công việc và kỹ năng mềm phù hợp với từng cấp Hội.
Việc đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng trong giai đoạn này chưa được thực hiện riêng, chủ yếu đánh giá thông qua năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ Hội từng năm dựa trên thành tích của tập thể, cá nhân.
Từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2022, Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã xác định định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm; định kỳ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho báo cáo viên; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề cho cán bộ Hội các cấp; đa dạng và cải tiến phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội; đẩy mạnh các hình thức giảng dạy hiện đại, đào tạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Học viện Phụ nữ Việt Nam và các tỉnh/thành Hội; biên soạn giáo trình, tài liệu tập huấn, bài giảng trực tuyến, cẩm nang chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ Hội theo từng cấp và theo các vị trí công việc
Từ định hướng này, Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Quy chế bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở và Chi hội trưởng theo Quyết định số 1157/QĐ - ĐCT ngày 12/2/2018. Quy chế này đã xác định rõ đối tượng, mục tiêu, nguyên tắc, chỉ tiêu, thời gian, hình thức, nội dung và trách nhiệm thực hiện bồi dưỡng của các cấp Hội.
Hội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025 theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018. Sau 1 năm triển khai Đề án, Đoàn Chủ tịch đã ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 4473/QĐ - ĐCT ngày 28/4/2020.
Chương trình bồi dưỡng được thiết kế theo cấp công tác trung ương, tỉnh, huyện, xã và Chi hội trưởng áp dụng đối với cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, bồi dưỡng, chưa có chứng chỉ về nghiệp vụ công tác Hội, mới được tuyển dụng hoặc được luân chuyển sang làm việc tại Hội. Thời lượng chương trình thực hiện trong 04 tuần kết hợp 50% học trực tuyến tĩnh (E-Learning) qua bài giảng video hoặc audio và 50% học trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng gồm 2 mảng kiến thức và kỹ năng, trong đó chương trình cấp trung ương, tỉnh, huyện học trực tiếp tại trung ương nên thiết kế cứng dựa trên yêu cầu của cấp Hội. Riêng cấp xã học tại địa phương nên phần kiến thức thiết kế cứng, phần kỹ năng cho phép địa phương được bổ sung thêm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.
Chương trình bồi dưỡng Chi hội trưởng được thực hiện trong 3 ngày gồm kiến thức và kỹ năng dựa trên nhiệm vụ thực tế của Chi hội trưởng.
Trên cơ sở chương trình bồi dưỡng, hàng năm, các cấp Hội tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp. Riêng Học viện Phụ nữ Việt Nam mỗi năm bồi dưỡng trên 2.000 lượt cán bộ, công chức; đã xây dựng 80 bài giảng động chất lượng cao video và audio để thực hiện bồi dưỡng trực tuyến E-learning. Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội do Học viện Phụ nữ Việt Nam triển khai được thực hiện trực tuyến có tương tác thông qua nền tảng Teams và quản lý các lớp học trên hệ thống LMS.
Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Việt Nam học online tại địa phương
Từ tháng 4/2022, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định quan điểm “Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến” và định hướng thực hiện bồi dưỡng nhiệm kỳ 2022 - 2027: “Chú trọng công tác quy hoạch gắn với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ Hội theo vị trí việc làm, nhất là cán bộ làm công tác nghiên cứu, giám sát, phản biện xã hội; hình thành đội ngũ chuyên gia về giới và công tác phụ nữ; đề xuất chính sách, cơ chế đào tạo, luân chuyển cán bộ Hội, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao năng lực và phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2019 - 2025 (Đề án 1893); nâng cao năng lực cán bộ Hội về chuyển đổi số và kỹ năng ngoại ngữ; phối hợp với hệ thống trường chính trị các cấp trong đào tạo cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở”. Với định hướng này, việc thực hiện bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ bản không thay đổi so với giai đoạn 4/2017 - 3/2022, vẫn tập trung đến đối tượng, nội dung và đề xuất chính sách.
Để triển khai định hướng này, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Quy chế bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó phụ nữ theo Quyết định số 1271/QĐ-ĐCT ngày 6/12/2022 và ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Hội giai đoạn 2022 - 2027 theo Quyết định số 1283/QĐ-ĐCT ngày 9/12/2022.
So với quy chế ban hành năm 2018 và chương trình bồi dưỡng ban hành năm 2020, về cơ bản cách tiếp cận trang bị kiến thức, phương pháp không thay đổi, chưa có đột phá về tư duy bồi dưỡng dựa trên năng lực làm việc thực tế của cán bộ, công chức. Chương trình bồi dưỡng về cơ bản sẽ tiếp tục được thực hiện song song với việc làm thực tế của người học, ít có tác dụng giúp việc cải thiện năng lực một cách rõ rệt sau bồi dưỡng do rào cản về tư duy và thói quen đã được thiết lập. Nói cách khác, bồi dưỡng của Hội được thiết kế theo tư duy làm việc gì bồi dưỡng việc đó sẽ tạo ra kết quả tốt. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không phải như vậy. Bồi dưỡng nhiều nhưng sự thay đổi không nhiều. Nhiều cấp Hội vẫn hoạt động với chất lượng và hiệu quả chưa cao, còn làm theo cái cũ đã được thay đổi từ chính các văn bản của Hội.
Bồi dưỡng là một trong bốn khâu quan trọng của công tác cán bộ, công chức toàn hệ thống chính trị, có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm phát huy giá trị nguồn nhân lực đã được đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng; nâng cao chất lượng thực tế để công việc quản trị nhà nước, quản trị công việc có chất lượng và hiệu quả cao nhất. Thực chất, đây là quá trình cập nhật kiến thức, thông tin mới thay thế những kiến thức, thông tin đã lạc hậu, đã được thay thế mà con người biết trước đó, đặc biệt, bồi dưỡng sẽ trang bị thêm những kỹ năng công việc, kỹ năng mềm để sử dụng tri thức, kiến thức làm tốt nhiệm vụ được phân công. Ngoài ra, bồi dưỡng còn trang bị kiến thức, phương pháp giúp mọi người cân bằng được bản thân, công việc, gia đình và làm tốt vai trò, trách nhiệm công dân, trong gia đình và xã hội.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, các khía cạnh mới, yêu cầu mới của công cuộc đổi mới đất nước, nâng tầm sáng tạo trong các lĩnh vực và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 đến phụ nữ sâu sắc, nhiều chiều thuận - nghịch đan xen, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc đại diện cho quyền làm chủ của phụ nữ trong các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội cũng như việc thúc đẩy, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ để phụ nữ phát huy tốt và tốt nhất vai trò, thế mạnh của mình trong các công việc cơ quan, gia đình, xã hội. Phụ nữ có thể làm được khi dựa vào chính bản thân, nhưng để làm và đóng góp tốt và tốt nhất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của Hội thông qua đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Muốn vậy, cán bộ Hội cần nhiều thay đổi hơn về năng lực kiến thức, năng lực thái độ và năng lực kỹ năng để đáp ứng kỳ vọng đó. Bởi vậy, thiết nghĩ, giai đoạn 2022 - 2027, Hội cần thay đổi tư duy thực hiện bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp từ tư duy logic thông thường ở phạm vi hẹp sang tư duy chiến lược là tổng hợp của các loại tư duy logic, sáng tạo, hệ thống và phản biện.
Tư duy chiến lược xem xét tổng thể 4 khía cạnh điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của tổ chức và cá nhân theo cách tiếp cận rộng, dài, sâu và kết nối đa chiều hướng đến việc tìm ra các giải pháp đổi mới, thúc đẩy sự sáng tạo và thay đổi trong tương lai.
Để năng lực cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp thật sự thay đổi, Hội cần quan tâm thực hiện một số công việc sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ” và quan điểm phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035 “lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội” làm cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ thực tế về năng lực của Hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa các cấp Hội để xác định năng lực của cán bộ, công chức Hội phù hợp với từng cấp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cấp chiến lược (Trung ương), cấp chỉ đạo (tỉnh/thành và tương đương), cấp triển khai (huyện/xã và tương đương) và mạng lưới tình nguyện viên đồng hành (Chi/tổ và các mô hình).
Thứ hai, cần thể chế hóa quan điểm “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội theo vị trí việc làm” trong Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII theo hướng “Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ, công chức hệ thống Hội theo vị trí việc làm”.
Thứ ba, cần tổ chức sát hạch năng lực sau đào tạo, bồi dưỡng theo hướng quan tâm đầy đủ các nội dung bồi dưỡng theo phân tầng phù hợp với từng cấp, gồm: năng lực tư duy, phản biện; năng lực nghiên cứu, tham mưu, định hướng chiến lược (áp dụng đối với cấp TW); năng lực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo định hướng chiến lược, tham mưu tổ chức công việc (áp dụng đối với cấp tỉnh) và năng lực nghiên cứu thực thi, vận dụng vào thực tế địa phương (áp dụng đối với cấp huyện, xã); năng lực tiếp xúc, làm việc với cấp ủy, chính quyền, với hội viên và cộng đồng (áp dụng đối với Chi hội trưởng).
Thứ tư, đổi mới đồng bộ ba điều kiện vận hành hiệu quả công tác bồi dưỡng là sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Hội các cấp; sự cầu thị, đam mê, tinh thần trách nhiệm của người học và môi trường, nội dung, phương pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở bồi dưỡng và người làm công tác bồi dưỡng (bao gồm cả hành chính và giảng dạy).
Thứ năm, cần thiết kế chương trình bồi dưỡng chuyên gia tập trung vào năng lực vượt trội mà họ đã có, cung cấp thêm kiến thức bổ trợ và kỹ năng chuyên sâu, tổ chức nghiên cứu thực tế để tự trải nghiệm, trưởng thành, ngoài ra cũng có thể trang bị kiến thức, kỹ năng trao truyền, hướng dẫn, kèm cặp cho cán bộ, công chức khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2017), Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017 - 2022).
2. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2022), Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027).
3. Học viện Phụ nữ Việt Nam (2020), Kỷ yếu 60 năm truyền thống Học viện Phụ nữ Việt Nam.
4. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2018), Quyết định số 1157/QĐ - ĐCT ngày 12/2/2018 của Đoàn Chủ tịch ban hành Quy chế bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở và Chi hội trưởng.
5. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2020), Quyết định số 4473/QĐ - ĐCT ngày 28/4/2020 của Đoàn Chủ tịch ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội giai đoạn 2020 - 2025.
6. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2022), Quyết định số 1271/QĐ-ĐCT ngày 6/12/2022 của Đoàn Chủ tịch ban hành Quy chế bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó phụ nữ.
7. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2022), Quyết định số 1283/QĐ - ĐCT ngày 9/12/2022 của Đoàn Chủ tịch ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội giai đoạn 2022 - 2027.
________________
[1] Ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 2/6/2008
[2] Ban hành kèm theo Quyết định số 1891/QĐ-TTg ngày 14/12/2012
Bình luận từ Facebook
Phản hồi