(EOWP) – Ngày 25 tháng 2 năm 2014, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giữa Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), hội thảo thông tin giới thiệu cẩm nang “Hướng dẫn/ Kèm cặp ở Việt Nam – Một cách xây dựng năng lực hiệu quả” đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự buổi giới thiệu thông tin có đại diện Đại học Cần Thơ, Đài PT-TH Hà Nội, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp PN Việt Nam, Hội doanh nghiệp nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực của Phụ nữ (CEPEW), Trung tâm nghiên cứu môi trường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Lao động – Xã hội, Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công (WiPPA, Học viện CT-HC Quốc gia HCM), Viện Xã hội học, Công ty Le &Associates, Dự án Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Cẩm nang do bà Jean Munro, Tư vấn Cao cấp của UNDP, đồng thời là Cố vấn Kỹ thuật của dự án, biên soạn.
Nội dung cuốn cẩm nang được biên soạn thành nhiều phần dễ hiểu, liên kết chặt chẽ với nhau để người đọc có thể tìm thấy thông tin hữu ích, gồm i) khái niệm về “Hướng dẫn/Kèm cặp là gì” và “Lý thuyết Hướng dẫn/Kèm cặp”; ii) phần giải đáp cho hai câu hỏi lớn “Tại sao cần thực hiện chương trình Hướng dẫn/Kèm cặp” và “Tại sao chương trình Hướng dẫn/Kèm cặp lại là cách tiếp cận thành công trong việc hỗ trợ lãnh đạo nữ”; iii) xác định đối tượng tham gia chương trình qua “Ai sẽ tham gia vào chương trình Hướng dẫn/Kèm cặp”; iv) giới thiệu các bước cần thiết để “Xây dựng chương trình Hướng dẫn/Kèm cặp trong cơ quan bạn”. Cẩm nang cũng giới thiệu nhiều nguồn tham khảo đáng tin cậy về Hướng dẫn/kèm cặp trên thế giới để người đọc có thể tự tìm hiểu thêm cùng với 15 phụ lục cần thiết để xây dựng và vận hành chương trình Hướng dẫn/Kèm cặp trong thực tế.
Hướng dẫn/ Kèm cặp là một mối quan hệ đặc biệt giữa các bên tham gia, là người hướng dẫn và người được hướng dẫn. Tham gia vào mối quan hệ này, người được hướng dẫn sẽ nhận được lời khuyên, định hướng trong những hoàn cảnh cụ thể gặp phải, để trưởng thành và tiến bộ trong sự nghiệp. Đây là phương pháp hiệu quả trong đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận, giúp bổ khuyết cho các phương pháp học tập và phát triển sự nghiệp không mang lại hiệu quả khác như tự học và bồi dưỡng, tập huấn.
Các ví dụ được giới thiệu trong cuốn sách được thu thập từ nhiều lĩnh vực khác nhau và từ các quốc gia trong đó có Việt Nam. Cuốn sách tập hợp các phát hiện từ nhiều nghiên cứu cũng như từ những câu chuyện thực tiễn tốt nổi bật, những thách thức chung và kinh nghiệm cá nhân trong vai trò là người tham gia vào các chương trình dìu dắt. Cẩm nang cũng cung cấp một số công cụ có thể sử dụng để giúp xây dựng và triển khai một chương trình Hướng dẫn/kèm cặp.
Buổi hội thảo giải thích rõ hơn các nội dung mà đại biểu cùng quan tâm: 1) Vai trò của các nhóm trong Chương trình Hướng dẫn/kèm cặp; 2) Khi nào nên áp dụng Chương trình Hướng dẫn/kèm cặp; 3) Chương trình Hướng dẫn/kèm cặp ở Việt Nam; 4) Các bước để xây dựng Chương trình Hướng dẫn/kèm cặp và 5) Lập kế hoạch cho Chương trình Hướng dẫn/kèm cặp ở cơ quan. Các đại biểu cũng bày tỏ mối lo ngại về những khó khăn trở ngại có thể gặp phải khi áp dụng mô hình Hướng dẫn/Kèm cặp tại cơ quan và được hai diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong vai trò là người hướng dẫn/người được hướng dẫn và điều phối viên hiện đang đảm nhiệm những công việc tương tự giải đáp thắc mắc. Buổi hội thảo đã tổ chức những nhóm làm việc về nhiều vấn đề, góc tiếp cận khác nhau đối với Hướng dẫn/Kèm cặp, dựa trên kinh nghiệm thực tế của đại biểu, và cùng chia sẻ thông tin để tìm ra các giải pháp khả thi để đưa chương trình vào thực tế. Bộ công cụ cũng như các bước xây dựng và triển khai chương trình cũng được hội thảo bàn luận sôi nổi và hy vọng cuốn cẩm nang sẽ mang đến cho các đại biểu hình dung rõ nét hơn về các công việc cụ thể cần thực hiện trong nỗ lực bồi dưỡng nguồn nhân lực chuẩn bị phục vụ hội nhập quốc tế.
Dự kiến dự án sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình triển khai cho các đối tác quan tâm và muốn triển khai mô hình Hướng dẫn/ Kèm cặp tại cơ quan.
Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” hoạt động từ năm 2009 với ba mục tiêu chính:
- Nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, đặc biệt nâng cao nhận thức cho các cán bộ nữ đang tham gia quản lý về những vấn đề mới đặt ra trong triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
- Hỗ trợ quá trình chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016 và lồng ghép giới vào các chính sách và thực tiễn công tác cán bộ và nhân sự nhằm thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình Quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011 – 2015.
- Hỗ trợ khuyến nghị và thực thi chính sách liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và nâng cao nhận thức về vai trò và đóng góp của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo thông qua tăng cường nghiên cứu, tọa đàm chính sách và thiết lập mạng lưới quốc tế.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi