Được sự hỗ trợ của Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giữa Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), từ ngày 25- 27 tháng 11 năm 2015, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức khóa đào tạo cho 35 cán bộ nữ đến từ 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ về kết quả từ đại hội đảng bộ toàn quốc mới đây cho thấy sự tham gia của nữ cán bộ tăng cao hơn khóa trước, 466 cấp ủy viên là nữ trong số 3502 người (chiếm 15,27%, nhiệm kỳ trước là 11,4%); 967 người được bầu vào ban thường vụ, trong đó 106 người là dân tộc thiểu số, 104 người là nữ (17 Phó Bí thư, 3 Bí thư Tỉnh ủy); song tỷ lệ đại diện nữ dân tộc thiểu số tham chính còn rất thấp, nhất là nữ dân tộc thiểu số trong đảng ủy các cấp. "Sự tham gia của nữ giới hiện nay chưa đáp ứng được các mục tiêu do Nhà nước đề ra", ông Chiến nhấn mạnh.
Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã xác định các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm và tham gia trong lĩnh vực công. Mục tiêu đặt ra có ít nhất 25% nữ giới tham gia các cấp ủy đảng; từ 35% đến 40% nữ giới trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Thực tế hiện nay, về năng lực, trình độ của cán bộ nữ của Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng còn nhiều bất cập, các chị em còn thiếu những kỹ năng mềm cơ bản để tham mưu, xử lý tốt công việc hàng ngày; bên cạnh đó, một bộ phận chị em nữ dân tộc thiểu số còn nặng nề về tính tự ty, nhút nhát, thiếu động lực phấn đấu, an phận.
Trong bài phát biểu chào mừng, bà Giám đốc Quốc gia UNDP Louise Chamberlain nhấn mạnh rằng đại diện bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong khu vực công và trong chính trị là vấn đề mang tính pháp lý. "Đó cũng là một biện pháp quan trọng để đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách đại diện cho những mối quan tâm chung của người dân và hài hòa được tất cả các quan điểm". Bà Louise cho rằng "không có sự lãnh đạo mạnh mẽ về vấn đề này, sẽ rất khó thay đổi tình hình".
Tọa đàm cùng nghe giới thiệu về chương trình bồi dưỡng trực tuyến “Sẵn sàng để thành công”, là một sáng kiến bắt đầu với việc biên soạn cuốn tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng dành cho các nữ ứng cử viên tiềm năng kỳ bầu cử 2016, sau đó được phát triển thành chương trình bồi dưỡng trực tuyến tại địa chỉ www.sansangdethanhcong.com. Chương trình là cánh cửa giúp kết nối được với nhiều nữ cán bộ trên toàn quốc, từ thành phố cho đến vùng xa. Với đường truyền Internet, dù ở bất cứ nơi nào, người học luôn có thể kết nối và tham gia học vào bất kỳ thời gian nào thích hợp. Hình thức học tập linh hoạt giúp nữ giới, nhất là chị em người dân tộc thiểu số, hoàn toàn chủ động thu xếp công việc và thời gian để tích lũy thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, dần nâng cao sự tự tin. Người học còn được cùng chia sẻ các kinh nghiệm cũng như thực tiễn quý báu của các cựu đại biểu Quốc hội và đương nhiệm, các lãnh đạo cấp cao từ Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu chính sách và phụ nữ tham chính.
Sau thời gian tọa đàm, lớp tập huấn được tổ chức nhằm mục đích cung cấp, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản và cần thiết giúp nâng cao năng lực cho công chức nữ trong tham mưu, triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở, trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong khuôn khổ khóa đào tạo ngắn hạn 3 ngày học viên sẽ được các giảng viên từ công ty MDF Châu Á-Văn phòng Việt Nam chia sẻ, hỗ trợ, bồi dưỡng về lý thuyết và thực hành các kỹ mềm: Kỹ năng lãnh đạo, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng giao tiếp & thuyết trình, Kỹ năng điều hành cuộc họp, Kỹ năng Xây dựng kế hoạch cá nhân.
Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc ông Đỗ Văn Chiến đánh giá cao, ghi nhận và cảm ơn Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giữa Bộ Ngoại giao và UNDP, trong 5 năm qua đã rất quan tâm giúp đỡ Ủy ban Dân tộc đào tạo được gần 300 công chức nữ dân tộc thiểu số đang công tác trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở. Đội ngũ công chức nữ của Ủy ban Dân tộc sau khi tham gia dự án có rất nhiều chị em tiến bộ đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo hoặc cán bộ quy hoạch vào các vị trí cao hơn. Ông Chiến cũng mong rằng Ủy ban Dân tộc tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Dự án cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao và UNDP để có nhiều khóa đào tạo cán bộ nữ hơn nữa trong thời gian tới./.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi