Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2024)

Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2024)

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Mỗi dịp Tháng 5 về, hương sen lại tỏa sắc ngào ngạt, cũng chính là dịp mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng kiều bào ở nước ngoài và bạn bè thân thiết trên thế giới kỷ niệm trọng thể Ngày Sinh nhật của Người. Qua những tư liệu hình ảnh, những câu chuyện, những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, chúng ta lại nhớ đến Ngày Sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng khoảng sâu sắc về đường lối. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước. Ngày 05/6/1911 với tên gọi Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917 thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác -Lênin. Từ đây Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc gắn liền giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do người sáng lập vào năm 1930, cùng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Ngay khi giành được độc lập, chính quyền non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính” phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân ta lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc.

Bác là biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, không ham danh lợi đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người. Với tinh thần của người cộng sản, Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.

“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước độc lập, nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, được sống cuộc sống tự do, bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng cuộc sống thanh bạch của vị Chủ tịch nước vẫn không có gì thay đổi. Người không đòi hỏi bất kỳ những gì riêng tư cho mình, kể cả trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người.

Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…”

Tuy Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, những chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành “mệnh lệnh trái tim” đối với mỗi người dân Việt Nam. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn với non sông đất nước, với dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, là ngọn đuốc tỏa sáng, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên trong Học viện Lục quân phải thấm nhuần, quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Thường xuyên gắn bó máu thịt với Nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta càng cảm thấy vinh dự, tự hào, càng cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương, thường xuyên “tự soi, tự sửa”, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Phát huy tinh thần “7 dám”; “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tích cực học tập, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nói đi đôi với làm, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững, phát huy và lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới./.

Nguồn: https://hvlq.vn/



Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 48
  • Tổng lượt truy cập 5,933,595