Nâng cao vị thế phụ nữ trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Nâng cao vị thế phụ nữ trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới”, do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA) vừa tổ chức, các chuyên gia nhận định, hiện nay tồn tại không ít định kiến về phụ nữ nói chung, lãnh đạo nữ nói riêng, gây ảnh hưởng lớn tới bình đẳng giới, hiệu quả công việc, sản xuất, đời sống.

Theo các chuyên gia, thực trạng này đặt ra những vấn đề cấp bách về truyền thông, thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia của nam giới nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ. Theo các công bố từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại Hội thảo, định kiến đối với các nữ lãnh đạo thường có 2 dạng, đánh giá kém thuận lợi hơn về khả năng lãnh đạo vì đặc điểm, tính cách được cho là “của phụ nữ”; đánh giá các hành vi lãnh đạo thực tế thấp hơn nam giới vì cho rằng phụ nữ phù hợp hơn trong vai trò tái sản xuất.


Những định kiến trên đã dẫn tới các thực trạng đáng lo ngại là khả năng tiếp cận vai trò lãnh đạo của phụ nữ ít hơn so nam giới; phụ nữ gặp nhiều trở ngại, khó có thể thành công trong vai trò người lãnh đạo. Dẫn Báo cáo đề tài cấp Bộ “Chất lượng tham gia của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị” năm 2019-2020, TS.Trần Thị Hồng- Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chỉ ra rằng, cộng đồng thường có tư duy, quan điểm cán bộ nam thì phải quyết đoán, có tầm nhìn, tự tin, năng động, trong khi cán bộ nữ cần hơn sự mềm dẻo, giỏi năng lực hòa giải, nhiệt tình; người đứng đầu chính quyền cơ sở, người đứng đầu Đảng bộ nên là cán bộ nam, còn cán bộ nữ phù hợp hơn với công việc gia đình.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Hội thảo về thực trạng trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam khẳng định, có tồn tại sự lựa chọn cho phụ nữ giữa việc có hay không tham chính và Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận xét về khía cạnh này. Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn tồn tại và phần lớn nghiêng về nữ giới. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam nằm ở một số thể chế phi chính thức, quá trình thực thi chính sách công về bình đẳng giới chưa hiệu quả, vẫn còn có khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn.

Cùng với một số cơ chế, chính sách, kinh phí đầu tư cho công tác bình đẳng giới vẫn còn bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tế trên phạm vi toàn quốc, thì một nguyên nhân quan trọng đã được chỉ ra, đó là bản thân phụ nữ chưa ý thức được đầy đủ về chính vị trí, vai trò của bản thân trong lĩnh vực chính trị.

Liên quan việc nâng cao năng lực tham gia lĩnh vực chính trị của phụ nữ, TS.Lê Thị Vinh- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải bảo đảm bình đẳng về cơ hội học tập, từ đó cải thiện năng lực, nâng cao vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển cũng như nhận thức của phụ nữ về vị thế bản thân.

Đối với các thể chế chính thức, cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách về bình đẳng giới và bảo đảm hiệu quả thực thi; gắn trách nhiệm lồng ghép giới với người ra quyết định, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức xã hội. Trong khi đó, với các thể chế phi chính thức, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, dần xóa bỏ định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Theo TS.Phan Thuận- Học viện Chính trị khu vực IV, bên cạnh phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện các quy định bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, các kế hoạch hành động và việc làm cụ thể đối với sự tham chính của nữ giới, cần rà soát và hoàn thiện các quy định thiếu tính nhạy cảm giới; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ.

TS.Dương Kim Anh- Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đánh giá, quyền của phụ nữ là vấn đề mang tính thời đại. Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là giải pháp quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Ngày nay, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội.  “Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội; đồng thời là tiền đề để hiện thực hoá các quyền con người khác”- TS.Dương Kim Anh nói.

Nguồn: https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 36
  • Tổng lượt truy cập 5,933,583