Phá bỏ định kiến giới: Làm thế nào để “bất thường” trở thành bình thường

Phá bỏ định kiến giới: Làm thế nào để “bất thường” trở thành bình thường

 

Những ngày qua tôi đã gặp nhiều thanh niên tài năng. Họ là những nhà làm phim, viết kịch bản, nhà nghiên cứu đang góp phần thay đổi cách chúng ta tư duy về phụ nữ và đàn ông. Nhiều người cho biết cuộc thi làm phim #Howabnormal – Bình thường hay Bất thường – đã giúp họ đặt nhiều câu hỏi về định kiến giới, và khiến họ thách thức những điều kỳ quặc thường ngày ở quanh ta.


Hôm nay, thế giới kỷ niệm Ngày Phụ nữ Quốc tế; đây là lần kỷ niệm đầu tiên kể từ khi phát động các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vào tháng 9 năm ngoái ở New York, lãnh đạo thế giới đã thống nhất chương trình nghị sự toàn cầu mới đầy tham vọng để chấm dứt nghèo đói, chống bất bình đẳng, thúc đẩy thịnh vượng, và bảo vệ môi trường từ nay cho đến năm 2030.

 

Điều này không chỉ đưa bình đẳng giới thành mục tiêu độc lập mà bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ còn là trọng tâm của Chương trình nghị sự mới. Các mục tiêu liên quan đến giới cũng được đưa vào tất cả 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.

 

Không có gì là quá khi cho rằng chỉ có thể hoàn thành Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững bằng việc giành bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.

 

Hôm trước có người hỏi tôi một câu rất quan trọng: Các Mục tiêu Phát triển Bền vững có gì khác với các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ?

 

Câu trả lời là có khá nhiều khác biệt, nhưng tôi tin rằng có ba điểm chính sau đây:

 

Thứ nhất, không như các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ, các Mục tiêu Phát triển Bền vững được thiết kế để đưa chúng ta về lại điểm không.

Ví dụ, thông qua việc giảm một nửa người nghèo, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ khuyến khích các quốc gia xử lý phần dễ làm trước. Khi quay trở về điểm không, chúng ta sẽ cần tập trung vào việc tăng quyền cho người nghèo nhất, người bị gạt ra bên lề nhất, và người khó vươn đến nhất.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững không chỉ yêu cầu chúng ta thúc đẩy bình đẳng giới mà còn phải vĩnh viễn loại bỏ phân biệt đối xử giới cũng như bất bình đẳng giới.

 

Thứ hai, các Mục tiêu Phát triển Bền vững áp dụng cho mọi quốc gia.

Các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ hình thành trong bối cảnh “các nhà tài trợ giàu trợ giúp các nước nghèo.” Kể từ đó đến nay, thế giới đã thay đổi nhiều, và với các nước như Việt Nam, bất bình đẳng là vấn đề có tính nghiêm trọng hơn nhiều so với nghèo đói bình quân trên cả nước.

 

Thứ ba, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ dựa vào quyền, có tầm nhìn xa hơn, và bao trùm hơn.

Chúng đi sâu hơn vào việc giải quyết các dạng thức cơ bản của kỳ thị và tước quyền để sao cho những người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra ngoài lề nhất có điều kiện hoàn thiện quyền con người của mình.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững không bỏ ai lại phía sau – đồng nghĩa với việc không một phụ nữ hay trẻ em gái nào bị tụt lại đằng sau.

 

Vậy việc bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 có ý nghĩa gì?

 

Trong hai mươi năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ quan trọng trong chính sách và lập pháp liên quan đến bình đẳng giới. Tuy nhiên, những quyết sách này chưa được thực thi đầy đủ, và thường thiếu hụt các khoản đầu tư chương trình.

 

Thông qua việc cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chúng ta cần khẩn trương tìm cách vượt qua những trở ngại và thách thức hiện có.

 

Chúng ta ngày càng nhận thấy rõ ràng là nếu muốn chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta không thể dừng lại ở việc xây dựng luật pháp mà còn phải xử lý thái độ gia trưởng và các định kiến giới vốn đã bắt rễ lâu nay. Chúng đang trói buộc cả phụ nữ lẫn đàn ông vào những vai trò mà truyền thống quy định sẵn cho họ.

 

Đó là lý do tại sao Liên Hợp quốc quảng bá cho các chiến dịch bình đẳng giới như “HeForShe” (Nam giới vì Phụ nữ)“#HowAbnormal (Bình thường hay Bất thường) nhằm phá bỏ các định kiến giới và khiến chúng ta tư duy, hành động khác đi.

 

Nếu các quan chức chính phủ, thành viên các tổ chức đại chúng, công chúng nói chung, và báo chí không thực sự chung tay thì phân biệt đối xử vẫn còn đó cho dù chúng ta có bao nhiêu điều luật đi nữa.

 

Chẳng hạn, bạo lực với phụ nữ vẫn còn quá phổ biến trong gia đình, nơi làm việc, và ở không giam công cộng. Cứ năm phụ nữ Việt Nam thì có ba người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực do bạn tình gây ra. Nhưng chỉ 10 phần trăm tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền. Chúng ta hãy thử nhìn quanh mình và hình dung xem điều đó có nghĩa là gì.

 

Ngoài ra, chúng ta cần phải đánh giá đầy đủ và công nhận, giảm tải, hoặc chia sẻ việc nhà và việc chăm sóc gia đình. Đó là vì gánh nặng này hiện đang đè lên vai phụ nữ và hạn chế cơ hội học hành, làm việc, và thu nhập của họ.

 

Chúng ta cũng cần bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện đầy đủ các quyền về tình dục, sức khoẻ sinh sản và sinh sản, và loại trừ các hành xử có hại như hôn nhân trẻ em.

 

Tất nhiên, bình đẳng giới là một vấn đề chính trị - và là vấn đề đòi hỏi cam kết và hành động chính trị ở cấp cao nhất. Trên thực tế, Ngày Phụ nữ Quốc tế không phải là ngày thổ lộ tình yêu hay sự trân trọng của chúng ta với phụ nữ, mà là ngày để ta nhớ đến những tranh đấu chính trị của phụ nữ nhằm giành quyền bình đẳng và để đưa ra những cam kết hành động thay vì chỉ dừng ở lời nói.

 

Ngày 27-9 năm ngoái, khi các vị nguyên thủ quốc gia gặp nhau ở New York để thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trọng tâm giới xuyên suốt các mục tiêu. Ông cam kết làm mọi việc cần thiết để san bằng khoảng cách giới ở Việt Nam.

 

Tôi hy vọng cam kết đó sẽ mang lại phân bổ nguồn lực nhiều hơn và tăng nỗ lực gấp đôi để thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới. Tôi hy vọng điều đó cũng sẽ góp phần định hình Kế hoạch Hành động Mục tiêu Phát triển Bền vững mà Quốc hội sẽ thông qua vào cuối năm nay.

 

Như Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki Moon đã đề cập trong thông điệp của ông cho ngày hôm nay: “Khổng Tử dạy dằng để đưa thế giới vào khuôn khổ, chúng ta phải bắt đầu từ vòng tròn của chính mình.”

 

Tự chúng ta có thể làm rất nhiều việc để mang lại bình đẳng giới và chuyển đổi tiềm năng tương lai cho Việt Nam. Thật tuyệt khi thấy thế hệ trẻ đang dẫn đầu con đường nay.

 

Hãy chung tay đưa những điều bất thường trở thành bình thường. Liên Hợp quốc luôn ở bên các bạn ở mỗi bước đi ấy.

 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 4739
  • Tổng lượt truy cập 5,724,315