Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam

Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam

 

Báo cáo nhằm mục đích nêu bật các xu hướng tham gia của phụ nữ trong các cơ quan chính phủ của Việt Nam, mô tả tổng quan khung pháp lý liên quan đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ, đồng thời thảo luận các thách thức và rào cản đối với phụ nữ trong khu vực nhà nước. Báo cáo rà soát và phân tích các kết quả nghiên cứu và báo cáo gần đây của chính phủ về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực ra quyết sách. Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, vẫn còn khoảng cách giữa mục tiêu và kỳ vọng được đề cập trong các văn bản của chính phủ với con số thực tế về sự tham gia của phụ nữ.


Mặc dù chỉ số Phát triển giới của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đạt được tiến triển trong thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới[1], nhưng trong lĩnh vực tham gia và lãnh đạo của phụ nữ nữ, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong khu vực nhà nước còn thấp. Về tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện nay thấp nhất kể từ năm 1997. Tỷ lệ đại biểu nữ cao hơn ở cấp địa phương, tuy nhiên ít có tiến triển giữa các nhiệm kỳ và chỉ tiêu 30% đại diện nữ vào năm  2011 chưa đạt được. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, tỷ lệ đảng viên nữ tăng chậm và đạt 33% vào năm 2010. Tuy nhiên, số lượng lãnh đạo nữ ở các vị trí chủ chốt như Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư còn thấp.


Các con số này gây ngạc nhiên trong bối cảnh chính phủ áp dụng nhiều chính sách, chiến lược và chương trình tiến bộ về sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ. Việt Nam đã phê chuẩn và ký kết tất cả các công ước và chương trình quốc tế, trong đó kêu gọi các quốc gia nâng cao số lượng lãnh đạo nữ. Các văn kiện quốc gia đã đặt ra mục tiêu, xác định trách nhiệm và cung cấp ngân sách. Đây là các biện pháp phù hợp với các công ước và thực tiễn quốc tế. Tuy nhiên, phân tích khung pháp lý trong báo cáo cho thấy, một số chỉ tiêu chưa đo lường được và các biện pháp đảm bảo thực thi chính sách còn hạn chế.

 

Việc không đạt được chỉ tiêu của chính phủ là kết quả của một số các nhân tố thể chế và thái độ, như các quy định chưa phù hợp, thiếu các biện pháp thực thi các chính sách hiện tại, các nhân tố văn hóa và sự thiên vị ăn sâu, cố hữu đối với nam giới. Cụ thể hơn, phụ nữ trong khu vực nhà nước đối mặt với các thách thức liên quan đến quy định tuổi tham gia tập huấn, bồi dưỡng và tuổi hưu sớm hơn năm năm so với nam giới.


Quan niệm tại công sở là thách thức đối với khát vọng vươn tới vị trí lãnh đạo của phụ nữ. Lãnh đạo nữ thường bị đánh giá khắt khe hơn so với đồng nghiệp nam, và thăng tiến của họ có thể phụ thuộc vào một cấp trên không sẵn sàng thực hiện các quy định về giới. Trong khi trong gia đình, người phụ nữ được mong đợi thực hiện toàn bộ các công việc gia đình. Chỉ có ít tấm gương phụ nữ để noi theo và học tập. Bản thân phụ nữ cũng không nhất thiết coi mình là những người lãnh đạo, một phần là do các thông điệp của truyền thông, giáo dục và gia đình.


Để giải quyết những thách thức này và hỗ trợ chính phủ xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả và toàn diện, dưới đây là các khuyến nghị:

 

Các chính sách và chương trình:

- Xem xét xóa bỏ các thực tiễn phân biệt đối xử, yêu cầu phụ nữ nghỉ hưu năm năm sớm hơn nam giới, ở độ tuổi đỉnh cao và hiệu quả nhất trong sự nghiệp của họ. Sửa đổi luật lao động để đảm bảo nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi tối đa và tối thiểu như nhau.

- Xem xét xóa bỏ giới hạn tuổi đối với phụ nữ trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đề cử tham gia tập huấn, bồi dưỡng.

- Áp dụng chính sách tuyển dụng, tập huấn và bổ nhiệm cụ thể, nhằm đảm bảo 30% phụ nữ đảm nhiệm vị trí phó vụ trưởng và vụ trưởng trong chính phủ (cả cấp vụ và cấp phòng) và trong Đảng. Quan trọng hơn, áp dụng các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nếu không đạt được các chỉ tiêu.

- Áp dụng hệ thống thưởng để ghi nhận những cơ quan có thực tiễn tuyển dụng và nhân sự tiến bộ, dẫn đến tăng tỷ lệ nữ phó vụ trưởng và vụ trưởng.

- Tiến hành các chương trình tập huấn và hướng dẫn cho phụ nữ ở cấp thấp, để chuẩn bị thăng tiến và hoạt động hiệu quả ở các vị trí cao cấp hơn.

- Tiến hành nghiên cứu và bước đầu thảo luận giới thiệu nghỉ thai sản của bố mẹ hoặc của bố, để chứng tỏ chính phủ ủng hộ nam giới đóng vai trò  lớn hơn trong chăm sóc trẻ và hỗ trợ vợ theo đuổi sự nghiệp.

- Tiến hành các chương trình tập huấn trong các cở sở đào tạo nổi tiếng (trường, trường đại học, học viện) ưu tiên nữ sinh viên và cung cấp các kỹ năng mềm như diễn thuyết trước công chúng, tranh luận, lập luận, giao tiếp với cử tri, dự thảo chính sách, xây dựng kế hoạch hành động và thông tin cho phụ nữ các quy trình lựa chọn và đề cử.

 

Thay đổi quan niệm:

- Tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức hướng tới các quan chức cao cấp của Đảng và chính phủ, nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả khi có tỷ lệ công bằng phụ nữ trong các vị trí ra quyết sách và đề xuất các thực tiễn tốt nhất để tăng số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí cao cấp.

- Tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ nhằm vào nam giới trong khu vực nhà nước về vai trò nam giới cần đảm nhận trong gia đình để cho phép và hỗ trợ phụ nữ theo đuổi và thành công trong sự nghiệp và về cách thức để các đồng nghiệp nam có thể hướng dẫn, ủng hộ và thúc đẩy thăng tiến của đồng nghiệp nữ.

- Tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức đổi mới hướng tới đông đảo công chúng thông qua nêu gương các lãnh đạo nữ ở Việt Nam và châu Á.

- Ủng hộ truyền thông cộng tác nhiều hơn với các lãnh đạo nữ nhằm nêu quan điểm của phụ nữ đối với các tranh luận và vấn đề hiện tại và khuyến khích truyền thông tìm kiếm và giới thiệu quan điểm của phụ nữ đối với các vấn đề một cách bình đẳng và công bằng.

- Tiến hành các khóa tập huấn, bồi dưỡng lãnh đạo nữ tại các trường cao đẳng và đại học nhằm lôi kéo nữ thanh niên, khuyến khích và cung cấp cho họ kiến thức, kỹ năng và tự tin để trở thành lãnh đạo.

- Hợp tác với thanh niên để lôi kéo thanh niên đối với vấn đề bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, vai trò của nam giới trong chăm sóc con và quản lý gia đình và vai trò của phụ nữ với tư cách là lãnh đạo tại công sở và trong cộng đồng.



[1] UNDP (2011), Dịch vụ xã hội để phát triển con người: Báo cáo phát triển con người của Việt Nam


Toàn văn báo cáo tải về ở đây: womensrepresentationinleadership.pdf

 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 872
  • Tổng lượt truy cập 5,832,078