Nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam - Hướng tới tương lai

Nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam - Hướng tới tương lai

 

Việt Nam vốn luôn quan tâm tới bình đẳng giới. Điều này được thể hiện trong các thành tựu quan trọng như tỷ lệ tử vong bà mẹ thấp và trình độ học vấn cao của nữ giới. Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Trong hầu hết các bảng xếp hạng quốc tế về chỉ số giới, Việt Nam đều có vị trí khá tốt, đặc biệt so với các quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đang trong tiến trình hiện đại hóa nhưng số lượng đại biểu nữ trong Quốc hội lại giảm dần trong mười năm qua. Năm 1997, Việt Nam thuộc nhóm mười nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Đến năm 2012, xếp hạng của Việt Nam giảm xuống thứ 44 trên thế giới, với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nền tảng tốt đảm bảo nữ quyền cho các lãnh đạo nữ như: Việt Nam đã ký kết các hiệp ước quốc tế quan trọng về bình đẳng giới, có một hệ thống pháp lý rất mạnh mẽ, có tổ chức xã hội trên toàn quốc chuyên trách về bình đẳng giới (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Đồng thời, Việt Nam ngày càng có nhiều đại biểu nữ được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Trong quá khứ, số lượng nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam thường dao động vào các giai đoạn chuyển đổi kinh tế xã hội. Trên thế giới, những nơi có nhiều lãnh đạo chính trị là nữ thì tỷ lệ hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) lại thường cao. Nếu số lượng phụ nữ tham gia Quốc hội và lãnh đạo ở Việt Nam tiếp tục giảm, phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ.

 

Mặc dù đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực thi chính sách mạnh mẽ nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được các mục tiêu về số lượng phụ nữ trong các cơ quan dân cử. Nghiên cứu này phần lớn dựa trên các cuộc phỏng vấn với các cựu nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu đương nhiệm, với đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội và quan chức Chính phủ. Nghiên cứu cho thấy có một số cách có thể cải tiến quá trình bầu cử nhằm tăng số lượng phụ nữ thắng cử. Hệ thống chính trị của Việt Nam coi trọng yếu tố “cơ cấu” trong quá trình bầu cử. Các cấp chính quyền cao nhất sẽ quyết định về các nhóm xã hội cần được đại diện tại Quốc hội, và “cơ cấu” này được chuyển về địa phương và các địa phương sẽ tìm ứng cử viên thỏa mãn được các tiêu chí này. Các tiêu chí yêu cầu có sự tham gia của phụ nữ trong những lĩnh vực vốn đã có ít phụ nữ, ví dụ như phải nắm các vị trí cao cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn, công an, quân đội và các lĩnh vực xã hội khác. Vì vậy, mặc dù đề ra mục tiêu 30-35%, các địa phương thường gặp khó khăn khi tìm đủ số lượng đại biểu nữ đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Kết quả là, các chỗ “trống” được lấp bởi những cá nhân đáp ứng cùng lúc nhiều “tiêu chí”, ví dụ như là phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số.

 

Ngay từ đầu của quá trình bầu cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất 45-50% ứng cử viên là nữ. Tuy nhiên trong năm 2011, sau khi xem xét nhiều yếu tố và áp dụng “cơ cấu”, số lượng ứng viên nữ chỉ còn lại 37%. Nguyên nhân của tỉ lệ này một phần là do hơn một phần ba số ứng cử viên là do Trung ương đề cử, bao gồm đại biểu Quốc hội đương nhiệm, và các cán bộ cao cấp, vốn là những vị trí có tỷ lệ đại diện nữ còn thấp. Đã có một số ít trường hợp ứng viên tự đề cử và thắng cử. Vị trí tương đối của các ứng viên nữ trong các danh sách bầu cử có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu như nữ giới được xếp cùng với nam giới có trình độ ngang bằng hoặc cao hơn, thông thường nam sẽ trúng cử. Đây là hệ quả của tư tưởng trọng nam trong gia đình và xã hội. Vì vậy, chỉ có 24,4% ứng viên nữ trúng cử trong cuộc bầu cử vừa qua.

 

Các khuyến nghị chính trong báo cáo bao gồm: nâng cao nhận thức về lợi ích của việc bỏ phiếu cho nữ giới; tăng cường trách nhiệm giải trình và cơ chế giám sát đảm bảo thực hiện các chính sách quốc gia về giới; đề bạt nhiều nữ giới hơn nữa vào các vị trí cao cấp để được giới thiệu ứng cử và xóa bỏ phân biệt tuổi nghỉ hưu đối với nữ. Dựa trên kết quả phỏng vấn, báo cáo đã đưa ra một danh sách các đề xuất theo chủ đề có thể được thực hiện một cách dễ dàng. Những đề xuất này bao gồm giải pháp cải thiện nguồn ứng viên đủ tiêu chuẩn bằng cách giảm các định kiến xã hội, đề bạt nhiều phụ nữ hơn nữa vào các vị trí cao cấp và xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất về cách thức nâng cao năng lực của phụ nữ để vận động bầu cử hiệu quả và sắp xếp một cách có chiến lược hơn vị trí của phụ nữ trong danh sách bầu cử. Phần phụ lục đưa ra những đề xuất cụ thể cho các tổ chức tham gia vào quá trình bầu cử, bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ và các đối tượng khác. Việc thực hiện các khuyến nghị và đề xuất sẽ có tác động trực tiếp đảo ngược xu thế suy giảm hiện tại và đảm bảo Việt Nam lại trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sự tham gia của nữ giới vào các vị trí đại biểu dân cử và vị trí lãnh đạo.

 

 

Toàn văn báo cáo tải về ở đây: nudaibieuquochoiovietnamhuongtoi.pdf

 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 3786
  • Tổng lượt truy cập 5,933,039