tập huấn, năng lực lãnh đạo nữ, bình đẳng giới, nâng cao năng lực, quản lý, lãnh đạo nữ, nghị quyết 11, Bộ Chính trị, lãnh đạo nữ ở Việt Nam, báo cáo lãnh đạo nữ, quyền lực mềm,

Nữ đại biểu trong Quốc hội Việt Nam: từ tham gia đến đại diện

 

Tiến sỹ Paul Schuler thuộc Đại học California-San Diego là chuyên gia độc lập độc thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo này.

 

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tăng cường tỉ lệ tham gia của phụ nữ, đặc biệt trong Quốc hội. Trước các kỳ bầu cử năm 2007 và 2011, Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Bầu cử Trung ương đặt chỉ tiêu tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội lên 30%[1]. Tuy tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội năm 2007 là 28% và năm 2011 là 24%, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vẫn là vấn đề được Đảng và Chính phủ quan tâm. Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới xác định các mục tiêu bình đẳng giới trên các lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế và tham gia trong các lĩnh vực công. Chiến lược đề ra chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 là trên 30% và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%. Các chỉ tiêu này phù hợp với Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, theo đó, 30% là “tỉ lệ tới hạn” để phụ nữ có thể  phát huy vai trò của mình trong việc thiết kế nội dung và đưa ra các quyết sách chính trị.[2]

 

Mặc dù có các chỉ tiêu về tỉ lệ nữ giới trong các cơ quan lập pháp, việc các nữ đại biểu trúng cử thực hiện vai trò của mình ra sao tại Quốc hội lại ít được biết đến. Không có nhiều nghiên cứu về các vị trí công tác của các nữ đại biểu trong Quốc hội hay khả năng thực hiện chuyên môn của họ. Đây là thiếu sót đáng kể. Nghiên cứu cho thấy việc tăng cường tỷ lệ tham gia của phụ nữ chưa chắc mang lại nhiều chính sách ưu tiên phụ nữ trong quá trình lập pháp (Waring 2010).

 

Theo nghiên cứu của  Beaman và cộng sự (2012), mặc dù việc nâng cao tỉ lệ nữ lãnh đạo (ví dụ như tại các làng, xã) tác động tới khả năng tiếp cận giáo dục của các nữ sinh, kết quả này còn khác nhau trong lĩnh vực lập pháp. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nữ giới cao tác động đến kết quả xây dựng pháp luật về những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ như chính sách trông trẻ (Bratton và Ray 2002). Tuy nhiên, phần lớn các học giả nghiên cứu về lập pháp phương Tây nhận thấy đảng phái có tác động lớn hơn là tỷ lệ nữ trong việc các đại biểu bỏ phiếu hay không đối với các luật thúc đẩy quyền phụ nữ (Tamerius 1995, Waring 2010). Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về tác động của giới trong biểu quyết, các nghiên cứu khác cho rằng phụ nữ có ảnh hưởng đến việc thiết lập chương trình nghị sự (Tamerius 1995) và cơ cấu tranh luận (Piscopo 2011).

 

Do tính chất mâu thuẫn trong các nghiên cứu nói trên cũng như khác biệt thực tế về thể chế chính trị của Việt Nam và bối cảnh của các nghiên cứu trên, việc nghiên cứu về đại diện nữ giới tại Việt Nam là cần thiết. Các nghiên cứu trước đây đều tập trung vào tình hình lập pháp của các nước phương Tây (Tamerius 1995, Bratton và Ray 2002), Mỹ Latinh (Piscopo 2011), và châu Phi (O’Brien 2012)[3]. Tuy nhiên, do sự khác biệt đáng kể  về hệ thống bầu cử, tổ chức chính trị, và văn hóa của các quốc gia, khó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu trên do bối cảnh không phù hợp với Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ làm rõ các vấn đề sau đây trong điều kiện của Việt Nam:

 

1. Phụ nữ có bị phân biệt đối xử trong quá trình bầu cử và lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội hay không và ở mức độ nào?

 

2. Mức độ đại diện của đại biểu nữ trong các Ủy ban của Quốc hội?

 

3. Phụ nữ thực hiện vai trò của họ trong Quốc hội như thế nào? Các nữ đại biểu có đại diện cho các vấn đề liên quan tới nữ giới hay không? Khả năng phản biện/phê bình so với nam giới thế nào?



[1] Xem “Tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu là thành viên chính phủ.” [The National Assembly will increase the Full-time delegates and Decrease the Government Delegates.” February 24, 2007. www.nguoidaibieunhandan.com.vn.; “Hội nghị Hiệp thương thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội.” February 23, 2011. Tin Moi Online.

 

[2] Tham khảo  UN Women. “Sự tham gia bình đẳng của Nữ giới và Nam giới trong tiến trình hoạch định chính sách, trọng tâm là tham gia chính trị và lãnh đạo” (Equal Participation of Women and Men in Decision-making Processes, with Particular Emphasis on Political Participation and Leadership.)  Addis Ababa, Ethiopia

 

[3] Đây chỉ là vài tài liệu trong số rất nhiều tài liệu về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về mức độ đại diện của nữ ở Việt Nam hay Trung Quốc, hai quốc gia có hệ thống chính trị khá tương đồng.

 

Toàn văn báo cáo ở đây: paultuthamgiadendaidientv.pdf

 

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 2770
  • Tổng lượt truy cập 5,722,346