Tập huấn “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về bình đẳng giới năm 2022”

Tập huấn “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về bình đẳng giới năm 2022”

Từ ngày 29/08 – 31/08/2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGEPE) tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên Bình đẳng Giới năm 2022” dưới hình thức trực tuyến cho 16 cán bộ, giảng viên, sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam  và 11 giảng viên Trường Đại học Thủy lợi.

Tại buổi khai mạc lớp tập huấn sáng ngày 29/08/2022, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện và TS. Cho Haelim, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế, KIGEPE đã có bài phát biểu chào mừng các học viên, giảng viên và đưa ra những kỳ vọng đối với các học viên sau khi hoàn thành khoá học.

Trong phiên làm việc đầu tiên, đại diện hai bên là TS. Cho Haelim và TS.Trương Thúy Hằng, giảng viên Khoa Giới và Phát triển của Học viện đã có bài trình bày về “Thực trạng các vấn đề về bình đẳng giới và phong trào phụ nữ cũng như  chỉ số phân tích về giới” của hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam.

Vào chiều cùng ngày, bà Kilyang Jeon, Giáo sư Viện KIGEPE đã có bài giảng về “Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thời hậu Covid-19”, tập trung vào các phương pháp, chính sách để cân bằng hai tiêu chí trên và cách tiếp cận từ quan điểm bình đẳng giới.

Trong sáng ngày tập huấn thứ hai, bà Seonghee Song – Chủ tịch Tổ chức xã hội Cool Roof đã có bài chia sẻ về vấn đề “Khủng hoảng khí hậu và bình đẳng giới”. Theo đó, nếu thay tất cả các mái nhà ở các vùng ôn, nhiệt đới theo ý tưởng Cool roof, một trong những cách đối phó với khủng hoảng khí hậu hiệu quả của Hàn Quốc, 22,1 tỉ tấn khí thải Carbon sẽ được giảm thải cho môi trường; Nếu Cool roof được áp dụng cho các tòa nhà, nhiệt độ không khí ở Seoul sẽ giảm 2 độ.

Vào buổi học chiều ngày 30/8/2022, bà Bok-Joo Bae – Nguyên đại diện của Tổ chức đồng cảm với Phụ nữ khuyết tật đã trình bày về vấn đề giới đối với phụ nữ khuyết tật qua các khía cạnh như: phong trào của phụ nữ khuyết tật, về cơ thể và tình dục của phụ nữ khuyết tật, về bạo lực giới cũng như quyền sinh sản của nhóm phụ nữ khuyết tật. Bà Bok-Joo Bae cũng chia sẻ câu chuyện về những người phụ nữ khuyết tật tại Hàn Quốc, họ đều có ý chí vươn lên trên hoàn cảnh, vượt qua mặc cảm, trở thành những người truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội.

Bài chia sẻ cuối cùng trong khóa học về “Sự tham gia chính trị của Phụ nữ và thanh niên” của bà Jeongjin Lee – Ban Khảo sát Lập pháp Quốc hội cũng nhận được hứng thú từ các học viên. Bà đã chia sẻ về việc mở rộng sự tham gia chính trị thông qua các đảng phái cũng như tăng cường sự tham gia vào hoạt động của thanh niên trong các đảng phái, tăng cường và mở rộng giáo dục chính trị cho thanh niên.

Khóa học được bế giảng vào chiều ngày 31/8/2022. Trước khi bế mạc, các học viên đã được xem video về Lịch sử phong trào phụ nữ ở Hàn Quốc.

Trong 3 ngày tập huấn, các học viên đã được tiếp cận và cập nhật những kiến thức về tình hình bình đẳng giới và phong trào phụ nữ ở Hàn Quốc và Việt Nam. Với sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên là các Giáo sư, các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, khoá học đã mang đến cái nhìn tổng quan cho học viên về vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể.

Khóa học đã trở thành diễn đàn chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của hai quốc gia nhờ sự trao đổi tích cực của các học viên và giảng viên; góp phần tạo nên một chương trình tập huấn hiệu quả và thành công đồng thời gợi mở thêm nhiều chủ đề mà các học viên hứng thú, quan tâm và mong muốn được tham gia trong thời gian sắp tới.

Hương Giang - Phòng HTQT & Quản lý KH





Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 334
  • Tổng lượt truy cập 5,933,881