tập huấn, năng lực lãnh đạo nữ, bình đẳng giới, nâng cao năng lực, quản lý, lãnh đạo nữ, nghị quyết 11, Bộ Chính trị, lãnh đạo nữ ở Việt Nam, báo cáo lãnh đạo nữ, quyền lực mềm,

Tập huấn “Nền kinh tế và Thương mại có yếu tố Giới ở Việt Nam”

(WLP) – Ngày 5 tháng 8 năm 2014, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giữa Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), lớp tập huấn về các sáng kiến quản lý chính sách về Giới và Kinh tế, chuyên đề “Nền kinh tế và Thương mại có yếu tố Giới ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong kế hoạch năm của Dự án, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ nữ hiện đang làm việc trong các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Học viện Ngoại giao, Vụ Tây Á Châu Phi, Vụ Châu Âu, Ủy ban biên giới quốc gia, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Văn hóa Đối Ngoại và UNESCO, Vụ Kinh tế Đa phương, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á, Vụ Báo chí, Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài, Thanh tra Bộ, Cục Quản trị Tài vụ, Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Lãnh sự, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn.


Lớp tập huấn tập trung vào các nội dung: (i) Lao động không được trả công; và (ii) Giới và Thương mại. Hai học phần được chọn giảng lần này thuộc bộ tài liệu gồm 12 học phần về các sáng kiến quản lý chính sách về Giới và Kinh tế toàn cầu do UNDP Châu Á – Thái Bình Dương xây dựng riêng cho từng khu vực địa lý.


Lớp tập huấn có tính tương tác cao này được thiết kế dành riêng cho các nữ cán bộ hiện đang công tác ở các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, tiếp cận giới từ góc nhìn công việc không được trả công để liên hệ tới sự phát triển của kinh tế và thương mại. Tăng trưởng thương mại và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia có sự đóng góp có giá trị cao song âm thầm từ công việc không được trả lương phần lớn do nữ giới thực hiện nhưng chưa được đánh giá đúng. Khóa tập huấn là cơ hội để các nữ cán bộ ngành Ngoại giao phân tích sâu hơn các câu chuyện và bối cảnh Việt Nam, trên cơ sở đó, rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, để có thể chuyển tải vào công việc hằng ngày cũng như tham mưu chính sách thể hiện nhạy cảm giới.


Sau khóa học, các học viên đã nhận thức rõ về sự ảnh hưởng quan trọng của Giới đối với thương mại, lợi thế so sánh, nền kinh tế và hy vọng sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng, thực thi chính sách đảm bảo quyền lợi và nâng cao vai trò của nữ giới.


Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” hoạt động từ năm 2009 với ba mục tiêu chính:


- Nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, đặc biệt nâng cao nhận thức cho các cán bộ nữ đang tham gia quản lý về những vấn đề mới đặt ra trong triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.


- Hỗ trợ quá trình chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016 và lồng ghép giới vào các chính sách và thực tiễn công tác cán bộ và nhân sự nhằm thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình Quốc gia về bình đẳng Giới giai đoạn 2011 – 2015.


- Hỗ trợ khuyến nghị và thực thi chính sách liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và nâng cao nhận thức về vai trò và đóng góp của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo thông qua tăng cường nghiên cứu, tọa đàm chính sách và thiết lập mạng lưới quốc tế.

 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 199
  • Tổng lượt truy cập 1,489,516