Văn phòng Chính phủ: Tọa đàm "Phụ nữ và Phát triển"

Văn phòng Chính phủ: Tọa đàm "Phụ nữ và Phát triển"

 

Ngày 17 tháng 10 năm 2015, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ thuộc Văn phòng Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Phụ nữ và phát triển” nhân kỉ niệm 85 năm thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam và hướng tới ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, với sự tham gia của cán bộ Văn phòng. Tọa đàm nhằm thảo luận các biện pháp để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị mà cụ thể là nâng cao tỷ lệ nữ giới trong các vị trí lãnh đạo tại Văn phòng Chính phủ.

 

Tham gia tọa đàm, có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Chủ tịch nhóm Nữ Nghị sỹ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam và đại biểu đến từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, Vụ Bình Đẳng giới Bộ LĐTB&XH, Học viện phụ nữ Việt Nam, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

 

Phát biểu tại tọa đàm, bà Mai nêu bật những thành tích mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được từ nhiều năm nay đồng thời đặt ra câu hỏi cho toàn thể đại biểu cùng suy nghĩ và chia sẻ quan điểm về “Những điều cản trở nữ giới thăng tiến lên vị trí cao hơn trong các cơ quan nhà nước”. Dẫn số liệu thống kê, bà Mai cho hay trong Quốc hội hơn 70% là nam giới, hơn 90% nam giới trong các vị trí ở Trung ương Đảng, nữ giới chiếm số lượng khiêm tốn và cần phải có các hành động cụ thể để thúc đẩy tỷ lệ này tăng lên.

 

Chia sẻ quan điểm của người đứng đầu Văn phòng Chính phủ (VPCP), ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoan nghênh sáng kiến tổ chức tọa đàm rất có ý nghĩa này, đặc biệt cảm ơn bà Mai đã tham gia và chia sẻ quan điểm, sự có mặt và tham gia của các chị nữ lãnh đạo khác, ông khẳng định sự sẵn lòng ủng hộ nữ cán bộ phấn đấu vào các vị trí lãnh đạo của VPCP nếu có nữ ứng viên hội đủ điều kiện và năng lực để giới thiệu vào vị trí. Về những định kiến được tọa đàm đề cập đến, ông Nên cũng cho rằng bản thân người phụ nữ cần phải hiểu rõ những định kiến xã hội lâu nay hướng đến giới mình để có những hành động thiết thực để lôi kéo sự tham gia và ủng hộ của gia đình, cùng hiểu về những công việc cơ quan cũng như xã hội mà mình đang tham gia để có được sự hỗ trợ nhiều hơn để có thể yên tâm phấn đấu và đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn. Ông Nên bày tỏ niềm mong mỏi các đồng chí nữ sắp xếp công việc gia đình, ổn định cuộc sống tiếp tục phấn đấu, vươn lên những tầm cao mới, tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo để thể hiện năng lực của mình trong những đóng góp xây dựng xã hội.

 

Ngoài ý kiến bản thân sự nỗ lực của nữ giới hay sự cầu toàn của chị em trong thực hiện công việc là những yếu tố ảnh hưởng đến thành công của nữ cán bộ, hội thảo đã thảo luận và cùng nhìn nhận còn có những yếu tố quan trọng khác tác động đến như định kiến giới, cơ hội bình đẳng cho cả hai giới (một trong những ví dụ điển hình thấy rõ là tuổi nghỉ hưu, hiện nam giới về hưu ở tuổi 60 và nữ giới về hưu ở tuổi 55), văn hóa (giới hạn giữa văn hóa và phân biệt đối xử với nữ giới là mong manh, tùy theo từng góc nhìn). Trong điều kiện sức khỏe ngày càng được cải thiện, nữ giới có tuổi thọ ngày càng cao hơn so với nam giới, như thế đạt được sự ngang bằng về tuổi về hưu để nữ giới có thể đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa, nhất là khi đạt được độ chín về năng lực và chuyên môn là một trong những biện pháp hữu hiệu không chỉ để bù đắp nguồn nhân sự cấp cao mà còn không lãng phí nguồn chất xám này.

 

Quan sát nhiều năm cho thấy kết quả về tỷ lệ nữ lãnh đạo chưa bền vững qua các năm, kể cả trong Chính phủ và Quốc hội. Ngay cả trong VPCP chưa bao giờ có Phó Chủ nhiệm Văn phòng là nữ. Thực tế cho thấy vai trò tham gia của nữ giới trong hoạch định chính sách còn hạn chế, bởi để thay đổi chính sách có hiệu quả, qua nghiên cứu tại nhiều quốc gia, Liên minh Nghị viện Thế giới cho hay tỷ lệ nữ tham gia phải đạt tối thiểu 30% trong quốc hội.

 

Khuyến nghị được chia sẻ với hội thảo gồm 4 điểm, đó là: 1) Nhận thức của cả hệ thống, đặc biệt là cấp ủy đảng, người đứng đầu cần được thay đổi và thể hiện trong các quyết định, chính sách và hành động để thúc đẩy sự tham gia của nữ cán bộ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; 2) Tăng cường trách nhiệm trong nhiều vấn đề như quy hoạch, chuẩn bị ứng cử viên, cam kết, thực hiện các chiến lược, nghị quyết của Đảng, Nhà nước (đề xuất trong quy hoạch 3 người vào 1 chức danh thì ít nhất phải có 1 nữ); 3) Xây dựng khung khổ pháp lý để tạo không gian pháp lý thực hiện (như mới đây trong Luật bầu cử quy định cụ thể về tỷ lệ ứng cử viên nữ là 35% thay vì dùng từ “thích đáng” như trước kia) và 4) Sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ.

 

Hiện nay Văn phòng Chính phủ có 841/2010 (chiếm 42%) nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, 232/841 (chiếm 27,5%) nữ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên, 374/1072 (chiếm 34,8%) nữ đảng viên; 01/07 (chiếm 14%) nữ tham gia thường vụ Đảng ủy.

 

Công tác tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị tại Văn phòng Chính phủ đã có những chuyển biến rõ nét trong thời gian qua, hiện Văn phòng Chính phủ đã có 01/07 cán bộ nữ (chiếm 14%) tham gia thường vụ Đảng ủy; số lượng cán bộ nữ tham Ban chấp hành Đảng bộ tăng đáng kể từ 3/19 nữ (chiếm 15,7%) năm 2014 lên 07/25 nữ (chiếm 28%) năm 2015. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy tăng 8,4% từ 36/184 nữ (chiếm 19,5%) lên 57/205 nữ (chiếm 27,9%). Trong năm 2015, Văn phòng Chính phủ đã bổ nhiệm thêm 05 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý giữ cương vị từ cấp phòng trở lên nâng tổng số từ 227/897 (chiếm 25%) nữ năm 2014 lên 232/841 (chiếm 27,6%) nữ năm 2015. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ hiện chỉ có 04 nữ lãnh đạo cấp vụ trưởng và tương đương, chưa có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ là nữ.

 

Ngoài ra, giai đoạn 2011-2015, nữ công chức, viên chức, người lao động VPCP đã không ngừng cố gắng, nỗ lực trong công tác chuyên môn và vinh dự dành được 27 Huân, huy chương lao động các loại; 62 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 408 bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; 225 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 611 Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở; 37 nữ điển hình tiên tiến; 04 nữ đạt các giải thưởng Quốc tế, Quốc gia.

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 717
  • Tổng lượt truy cập 5,934,264