Sẵn sàng để thành công: Tài liệu tập huấn dành cho nữ ứng viên tiềm năng trong kỳ bầu cử 2016

Sẵn sàng để thành công: Tài liệu tập huấn dành cho nữ ứng viên tiềm năng trong kỳ bầu cử 2016

 

Ngày 24 tháng 06 năm 2015, cuốn cẩm nang với tựa đề Sẵn sàng để thành công: Tài liệu tập huấn dành cho nữ ứng viên tiềm năng trong kỳ bầu cử 2016 với mục tiêu tăng tỷ lệ đại diện nữ tại các cơ quan dân cử ở tất cả các cấp trong cuộc bầu cử năm 2016 được chính thức giới thiệu. Cuốn cẩm nang được xây dựng với sự hỗ trợ từ Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo nữ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam (MOFA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

 

Nâng cao số lượng nữ giới trong các vị trí dân cử là một mục tiêu được Chính phủ Việt Nam đặt ra. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu này với sự lãnh đạo tích cực và nhất quán.

 

Số lượng đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam đã sụt giảm trong hai kỳ bầu cử Quốc hội năm 2011 và 2007. Cần phải thay đổi xu hướng này nhằm đạt được mục tiêu tối thiểu 35-40% nữ đại diện trong Quốc hội mà Việt Nam đã đặt ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới.

 

Hiện nay, chỉ có một phần tư đại biểu quốc hội Việt Nam là nữ giới. Để con số này tăng lên, chúng ta cần nhiều nữ ứng viên hơn và cũng cần phải đề cử nhiều nữ giới hơn. Nghiên cứu các kỳ bầu cử trước cho thấy chỉ 31% ứng viên Quốc hội là nữ. Trong khi đó, tỷ lệ nữ ứng viên do Trung ương đề cử chỉ là 12%.

 

Thông qua cuốn cẩm nang này, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao số lượng nữ giới sẵn sàng và tự tin tham gia ứng cử. Trong đội ngũ cán bộ công chức cũng như lực lượng lao động của Việt Nam ngày nay không thiếu những người phụ nữ đủ tiêu chuẩn để tham gia ứng cử nếu họ được động viên và ủng hộ. Cuốn cẩm nang này sẽ giúp phụ nữ chuẩn bị cho mình một lộ trình để tham gia quá trình từ đề cử đến ứng cử một cách hiệu quả hơn. Nếu nhiều nữ giới có tên trong danh sách ứng viên cuối cùng, họ có thể sẽ trúng cử.

 

Sự tham gia của nữ giới vào các vị trí lãnh đạo chính trị và hành chính công sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan chủ chốt. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách, và như các nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác đã chỉ ra, sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí xây dựng chính sách sẽ nâng cao chất lượng hoạt động chung của các cơ quan công quyền.

 

“Trở thành ứng viên có thể là một thử thách lớn đối với các cán bộ nữ và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn vượt qua trở ngại ấy. Thông qua cuốn tài liệu chúng tôi mang đến cho các cán bộ nữ một lộ trình, để họ nắm rõ quy trình ứng cử, bầu cử và ứng cử thành công,” bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam nói. “Chúng tôi khuyến khích các cơ quan và tổ chức sử dụng cẩm nang này khi tổ chức tập huấn cho các nữ ứng viên. Những khóa tập huấn này nên được tổ chức sớm để các nữ ứng viên có thời gian chuẩn bị đầy đủ cho kỳ bầu cử.”

 

Cuốn cẩm nang tập huấn này tập hợp những lời khuyên và kỹ năng thực tế dành riêng cho nữ ứng viên, từ thuyết trình, xây dựng chương trình hành động tới tiếp xúc với giới truyền thông. Cẩm nang cũng đưa ra những tóm tắt về hệ thống chính trị Việt Nam, quy trình ứng cử và bầu cử, vai trò của các tổ chức trong việc lựa chọn ứng viên cho kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 

Ngoài việc cung cấp cho người đọc những kiến thức hữu ích nhất về hệ thống chính trị, quy trình bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân của Việt Nam, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của tài liệu này là tăng cường nhận thức của các nữ ứng viên về quyền bình đẳng của mình, từ đó có thể tự tin ứng cử trở thành đại diện nữ giới ở những vị trí lãnh đạo vì lợi ích của phụ nữ Việt Nam và cả cộng đồng.


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 773
  • Tổng lượt truy cập 5,831,979