Góc khuất của nữ đại biểu Quốc hội

Góc khuất của nữ đại biểu Quốc hội

(HanoiTV) - Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cấp trên và cử tri, nữ đại biểu người Tày đối mặt với nhiều áp lực để phản ánh tiếng nói của người dân trong các quyết sách của Quốc hội.

HanoiTV đã trao đổi với bà Nông Thị Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để hiểu thêm những khó khăn mà bà phải giải quyết trong công việc hàng ngày của mình.

 

Thưa bà, hiện nay, bà đang đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng ở Lạng Sơn như Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn; Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đồng thời, bà cũng là đại biểu quốc hội. Bà thực sự là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Thưa bà, trong quá trình phấn đấu, bà có gặp nhiều khó khăn không? Nếu có, bà vượt qua như thế nào?


Để trở thành một người  lãnh đạo, đặc biệt là nữ lãnh đạo, mỗi cá nhân phải nỗ lực rất nhiều. Riêng với nữ giới, nỗ lực ấy phải gấp nam giới hai lần. Ngoài công việc gia đình, công việc cơ quan, nhiều khi áp lực còn đến rất nhiều từ bên ngoài. Mình cũng thế thôi. Một khi đã được tổ chức quan tâm, thứ nhất mình phải nỗ lực rất nhiều, ngoài vấn đề học ở trường còn phải học từ thực tiễn, thứ hai là phải học kinh nghiệm từ các cô, các chị đi trước. Tôi nghĩ luôn luôn khiêm tốn, tự tin và học hỏi thì sẽ thành công.

 

Bà Nông Thị Lâm phát biểu ý kiến trước các đại biểu Quốc hội. Ảnh: langson.gov.vn

 

Như bà chia sẻ, bà làm việc hết sức, hết trách nhiệm. Lãnh đạo đã nhìn nhận nỗ lực của bà. Tuy nhiên, áp lực có nhiều. Vậy bà có thể chia sẻ rõ hơn về áp lực không?


Tôi đã phấn đấu rất nhiều để hoàn thành tốt công việc. Nhiều đồng nghiệp làm việc không bằng mình, không được phân công vào các vị trí như mình, họ sẽ tìm những yếu điểm của mình, thậm chí nói mình không có năng lực. Bản thân nhiều khi muốn buông xuôi nhưng vì ý thức và lòng tự trọng nên mình phải cố gắng nhiều hơn. Khi mình được đề bạt, không phải lãnh đạo nào cũng ủng hộ, thậm chí còn có người dèm pha chuyện A chuyện B về mình, nhưng mình kệ thôi. Càng nói, tôi càng cố gắng làm tốt hơn để người ta không thể nói mình. Trong hoàn cảnh đó, tôi thấy mình vượt qua được chính bản thân mình, từ đó, cũng có những thành công như ngày hôm nay.


Rõ ràng năng lực đóng vai trò quan trọng trong việc thăng tiến. Khi tham gia với tư cách đại biểu Quốc hội, bà có thể chia sẻ cảm nhận của mình không?


Là đại biểu Quốc hội đúng là khó khăn hơn vì mình phải đứng với vai trò của người dân khi tham gia xây dựng luật. Mình phải tham gia để luật đảm bảo quyền lợi của người dân chứ không phải bảo vệ quyền lợi của nhóm các cơ quan. May mắn là mình đã học Luật nên cũng không khó khăn lắm. Tuy nhiên để có ý kiến tham gia chỉnh sửa thêm một câu thì không phải ai cũng hiểu vấn đề và tiếp thu. Ở nước mình, các cơ quan nhà nước làm luật, sau đó, trình ra Quốc hội. Cho nên bao giờ cũng có ý chí chủ quan. Một bộ xây dựng một luật theo hướng có lợi hơn cho bộ đó chứ không phải cho tất cả người dân hưởng lợi. Nhiều khi ý kiến của ít người lại là đúng. ĐBQH có nhiều áp lực nhưng mình phải có bản lĩnh và có chính kiến của mình

 

Bà Nông Thị Lâm thay mặt nhóm để trình bày các ý tưởng tại một lớp tập huấn.

 

Từ kinh nghiệm cá nhân, bà có thể chia sẻ con đường trở thành đại biểu Quốc hội của mình?


Ứng cử viên sau khi được vào danh sách bầu cử, cần có chương trình hành động, đi tiếp xúc vận động bầu cử ở các điểm đông dân cư, các vùng khó khăn. Trong khi tiếp xúc cử tri trong hội nghị cử tri tôi đưa ra các cam kết nếu trúng cử. Chẳng hạn, với cương vị của tôi ở MTTQ, tôi sẽ tích cực tham gia đóng góp việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xóa đói giảm nghèo trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng của mình. Về quá trình chuẩn bị chương trình hành động, tôi tự chuẩn bị nội dung cho mình. Khi phát biểu, tôi không đọc. Nói chung, tôi không nói ở tầm vĩ mô vì người dân sẽ không hiểu và họ sẽ cho mình nói xuông.


Vậy bà làm thế nào để có một bài xuất sắc?


Đối với mỗi đơn vị đi vận động bầu cử, tôi phải chuẩn bị một bài phù hợp, phải gắn đặc điểm kinh tế văn hóa xã hội của vùng đó. Mình cần xem họ có nhu cầu gì, cần chính sách gì tác động nếu mình là đại biểu quốc hội. Ví dụ, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cần nước sạch, cần nhà vệ sinh, có nhiều phụ nữ mù chữ, thất nghiệp, trẻ em không được đến trường. Vậy họ cần các chính sách như thế nào để giúp họ thay đổi. Nhiều người áp dụng một bài cho hai chục địa điểm tiếp xúc cử tri nên nhiều cử tri nói là các ứng viên đến không phải vận động mà là chỉ đạo họ.

 

Bà Nông Thị Lâm luôn tích cực tham gia các hoạt động năng cao năng lực của bản thân và nữ giới

 

Hiện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn có bao nhiêu nữ? Bà có hoạt động nào thúc đẩy các chị em có năng lực có nhiều cơ hội ứng cử không?


Hiện có hai nữ đại biểu trong tổng số sáu đại biểu. Một trong những hoạt động thiết thực để thúc đẩy các chị em có năng lực có thêm cơ hội ứng cử đó chính là thúc đẩy sự học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng để chị em tự tin hơn trong công việc, đạt nhiều thành tích hơn, có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn khi được tổ chức tin tưởng giao trọng trách.


Khi làm ĐBQH, bà có thấy áp lực từ các đại biểu nam không?


Quả thực ban đầu mình cũng thấy lo, sau mình nghĩ đại biểu nam cũng như mình có gì mà phải thấy áp lực. Quan trọng là mình phải vượt qua được chính mình, tập trung vào nghiên cứu và tham khảo các tài liệu để tham gia góp ý vào các dự thảo luật có chất lượng.

 

Xin chân thành cảm ơn bà!

(nguồn: http://hanoitv.vn/Chan-dung-Nhan-vat/Goc-khuat-cua-nu-dai-bieu-Quoc-hoi/61620.htv)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 1264
  • Tổng lượt truy cập 5,734,045