Những “nữ tướng” của ngành ngân hàng
Mặc dù được đối xử bình đẳng trong cả công việc cũng như cuộc sống và trên thương trường ngày càng có nhiều “nữ tướng” tham gia điều hành ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, trong đó, có tài chính, nhưng với người phụ nữ vẫn chịu nhiều áp lực. Bởi họ không chỉ đảm bảo hoàn tất trách nhiệm đối với công việc mà vai trò người mẹ, người vợ cũng phải vẹn toàn. Qua thực tế chứng minh, không ít “nữ tướng” tham gia hoạt động, điều hành ở lĩnh vực này đã để lại những dấu ấn nhất định cho ngành tài chính ngân hàng trên thế giới và thị trường Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam là một điển hình của các “nữ tướng” điều hành thành công trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bà Kwakwa bắt đầu làm việc tại WB từ năm 1989 và là chuyên gia kinh tế tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, từng là thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu thực hiện “Báo cáo phát triển thế giới 2000: Tấn công nghèo đói”.
Bà Victoria Kwakwa cũng từng là chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho Nigeria. Với vai trò là giám đốc WB tại Việt Nam, bà Kwakwa sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính: lãnh đạo chương trình hỗ trợ của WB cho Việt Nam, thực hiện chương trình cho vay IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) cũng như quá trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn vốn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và phát triển), bao gồm cả các hoạt động cho vay và hỗ trợ tư vấn chính sách; tăng cường đối thoại với Chính phủ Việt Nam, chủ động hỗ trợ nỗ lực hài hòa hóa giữa Chính phủ và các nhà tài trợ. Không chỉ với bà Kwakwa mà ngay cả với lãnh đạo cấp cao trong ngành hiện cũng đã có nhiều “bóng hồng” xuất hiện trên cương vị điều hành ở vị trí cấp cao.
Một “bóng hồng” khác cần kể đến là Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng được chính thức bổ nhiệm từ tháng 8/2014. Bà Hồng sinh năm 1968, trước khi được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc NHNN, bà đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Cán cân thanh toán quốc tế, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN.
Tại thời kỳ bổ nhiệm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Quyết định này không chỉ là niềm vui với cá nhân đồng chí Hồng mà còn là niềm vui của Ban lãnh đạo, của đội ngũ cán bộ, nhân viên NHNN. Vì việc Thủ tướng bổ nhiệm đồng chí Hồng giữ chức Phó Thống đốc lần này đã giúp NHNN có được một lãnh đạo nữ trong đội ngũ Ban lãnh đạo”.
Ở cương vị điều hành cấp cao trong ngành ngân hàng, bà Hồng là một trong những Phó thống đốc NHNN luôn cởi mở với tất cả mọi người. Trong công tác lãnh đạo, bà cũng luôn có cái nhìn sát sao về thị trường, quan tâm chỉ đạo chặt chẻ hoạt động của ngành. Có thể nói, với các “nữ tướng” trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng chứng minh bản lĩnh của mình. Không chỉ với các cơ quan ban hành của Nhà nước mà ngay cả ở các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có khá nhiều “bóng hồng” đang cầm trịch điều hành các nhà băng nghìn tỷ.
Theo thống kê gần đây, năm 2014 ngành ngân hàng có 23% số cán bộ lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng là nữ, trong đó gần 50% giữ chức quan trọng trong ban Tổng giám đốc ở các ngân hàng thương mại.
…đến lãnh đạo nữ điều hành thành công trong ngành
Hiện nay, có hơn 100 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, số lãnh đạo ngân hàng là nữ chỉ chiếm 23% và số người nắm trong tay cương vị tối cao – Chủ tịch HĐQT đến Ban tổng giám đốc lãnh đạo ngân hàng nghìn tỷ, đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của ngành cũng như nền kinh tế.
Trong đó phải kể đến Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT SeaBank, bà Trương Thị Thúy Nga – Giám đốc Chi nhánh TP HCM được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Vietcombank cách đây hơn 2 năm, bà Lương Thị Cẩm Tú – phó Tổng Giám đốc Thường trực Nam A Bank …
Trong vài năm trở lại đây, khi ngành ngân hàng đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và không chỉ với các nhà băng lớn mà ngay cả những ngân hàng nhỏ đã nỗ lực cải tổ về quản trị, nguồn nhân lực để đổi mới trong cách nhìn điều hành, quản lý. Nam A Bank là một trong những số đó khi trong 2 năm qua, nhà băng này đã đẩy mạnh quá trình tự tái cơ cấu bằng chính nội lực theo đề án đã được NHNN phê duyệt. Vì thế, Nam A Bank xác định nguồn nhân lực là trọng tâm trong quá trình tái cấu trúc này và Ngân hàng luôn chú trọng đào tạo, thu hút người tài.
Nam A Bank là một trong những ngân hàng được đánh giá có sự phát triển nhanh và ổn định tại Việt Nam, nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của NHNN khi quyết định cho tự tái cấu trúc bộ máy, cho mở rộng mạng lưới. Trong năm qua, Nam A Bank đã mở mới 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch tại 5 tỉnh thành thuộc khu vực Nam – Trung Bộ như: TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận...
Dưới sự điều hành kinh doanh của Phó tổng giám đốc thường trực Cẩm Tú, Nam A Bank đã đạt được những thành tích rất ấn tượng trong năm 2014. Cụ thể, tổng tài sản tăng trên 30% đạt gần 40.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 243 tỷ đồng trước thuế. Nhưng nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%. Đây được xem là một kỳ tích của những nhà băng có quy mô vừa và nhỏ như Nam A Bank.
Không những thế, vừa bước sang năm 2015, Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên được NHNN phê duyệt tăng vốn điều lệ và cũng là ngân hàng đầu tiên công bố đủ điều kiện niêm yết lên sàn chứng khoán chính thức. Nam A Bank đang chuẩn bị trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch này để tiến hành thực hiện trong năm nay.
Cùng với Ban lãnh đạo điều hành của Nam A Bank cũng như các “nữ tướng” khác trong ngành, bà Lương Thị Cẩm Tú được xem là một trong những “bông hồng vàng” của lĩnh vực tài chính ngân hàng khi kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở các ngân hàng thương mại khác nhau như: Sacombank, MHB, Nam A Bank. Với công việc điều hành trong lĩnh vực tài chính được xem là khá áp lực, thế nhưng ngoài hoạt động ở ngân hàng bà Tú vẫn kiêm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân trẻ Việt Nam, tham gia các hoạt động Đoàn thể của TW cũng như một số tổ chức xã hội.
Nguồn: http://cafef.vn
Bình luận từ Facebook
Phản hồi