(HanoiTV) - VN vẫn còn thiếu nữ cán bộ có tiếng nói ra quyết định trong một số lĩnh vực quan trọng.
Đó là nhận định của nhiều đại biểu trong một cuộc tọa đàm cấp cao nhằm thảo luận các giải pháp để tăng tỷ lệ nữ được bầu cử vào năm 2016.
Chương trình ngày 17/10 thu hút sự tham gia nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên thường vụ Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, đại diện Ủy ban nhân dân một số địa phương, cùng các vị Đại sứ và đại diện của các tổ chức quốc tế.
Cuộc tọa đàm do bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban vì Sự tiến bộ của Phụ nữ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chủ tọa với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Bộ Ngoại giao.
“Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến khó thực hiện bình đẳng giới trên mọi mặt.” Bà Chuyền cho biết.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đặt chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ trong cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, nữ chỉ chiếm 24% tổng số đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, giảm gần 3% kể từ năm 2002. Ngay ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nữ tham gia cũng cách chỉ tiêu khá xa. Cụ thể là, tỷ lệ nữ trong số những người được bầu cử tại cấp tỉnh và huyện là 25%, và tỷ lệ này ở cấp xã là 21%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước chưa đều thấp hơn chỉ tiêu. Tình trạng trên phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh Xã hội cho biết: Ngay tại Tuyên Quang, một trong những tỉnh có tỷ lệ nữ tham chính cao nhất so với toàn quốc, nữ lãnh đạo ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh chỉ chiếm 18,31% và đến cấp xã chỉ còn 10,15%.
Tương tự ở Cà Mau, tuy tỷ lệ cán bộ công chức nữ chiếm 26,1% nhưng số lượng nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo chỉ chiếm 11,6%, theo nghiên cứu “Vai trò của nữ giới trong khối cơ quan Nhà nước cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Một số vị trí lãnh đạo có nữ tham gia, song chủ yếu ở cấp phó, cấp được đánh giá có thực quyền ít hơn và khả năng ra quyết định thấp. “Ở Nam Định, phụ nữ tham gia vị trí lãnh đạo ít có thực quyền và quá ít trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ”, bà Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định, cho biết: “Tỷ lệ nữ trong các cấp uỷ Đảng, trong cơ quan dân cử, các ngành các cấp chưa đạt so với chỉ tiêu trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết 11.”
Việc tỷ lệ nữ cán bộ chưa cân bằng với tỷ lệ nam lãnh đạo đã khiến các chính sách ban hành không thể hiện rõ quan điểm và đáp ứng mong muốn của “một nửa thế giới”. “Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến khó thực hiện bình đẳng giới trên mọi mặt.” Bà Chuyền cho biết.
Nữ đại biểu Quốc hội chỉ chiếm 24% tổng số đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, giảm gần 3% kể từ năm 2002.
Trước thực trạng trên, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đặt ra câu hỏi: “Nguyên nhân tại sao khi chúng ta có hành lang pháp lý khá tốt, có chủ trương nhất quán, song tỷ lệ lại vẫn luôn không đạt chỉ tiêu, không ổn định, lại có tình trạng “miền xuôi không bằng miền núi”, cấp tỉnh, cấp huyện cao hơn cấp xã, cấp Trung ương?”.
Những nghiên cứu gần đây của Chương trình Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (EOWP) cho thấy định kiến giới là một trong những rào cản đối với sự thăng tiến của phụ nữ. “Chính bản thân phụ nữ còn tự ty, cho rằng công việc lãnh đạo quản lý chủ yếu của nam giới”, bà Lê Thị Dung, một nghiên cứu viên của EOWP, cho biết: “Phụ nữ thường an phận và không dám đảm nhận công việc lãnh đạo, quản lý.”
Định kiến giới là quan niệm cho rằng nam độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và ra quyết định tốt hơn; trong khi gắn nữ với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và khả năng quản lý sẽ kém hơn nam giới.
Định kiến giới cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của những người ra quyết định đối với việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong cơ quan. “Nhiều người vẫn chưa đánh giá cao sự nỗ lực cũng như khả năng, năng lực của cán bộ nữ”, bà Dung cho biết. Đồng thời, nhiều lãnh đạo nam cho rằng “phụ nữ làm chức vụ cao không có nhiều thời gian quan tâm đến gia đình, họ giỏi việc nước, nhưng không có thời gian lo cho con cái họ”. Hậu quả là, cán bộ nữ ít nằm trong quy hoạch đội ngũ lãnh đạo kế cận.
Quan hệ xã hội của cán bộ nữ hạn chế do định kiến giới (nữ được gắn với việc nhà, nam gắn với giao tiếp bên ngoài), theo chị Nguyễn Thị Hồng Văn, nghiên cứu viên của EOWP.
Bên cạnh đó, nữ giới chịu áp lực phải làm việc nhà, theo quan điểm truyền thống. Do vậy, họ không có thời gian để mở rộng các quan hệ xã hội để phát triển sự nghiệp. 60% nữ làm việc trong ngành thuế và hải quan tại Bình Dương và Long An cho rằng việc thiếu quan hệ xã hội đã hạn chế cơ hội thăng tiến của mình, theo bà Nguyễn Thị Hồng Văn, nghiên cứu viên của EOWP. Tương tự như vậy, trong nghiên cứu của bà Đinh Xuân Diệp, 70,2% cán bộ nữ tỉnh Cà Mau cũng nhận định hạn chế trong quan hệ xã hội là khó khăn chính trong công việc.
Cuối cùng, việc chênh lệnh độ tuổi về hưu giữa nam (60 tuổi) và nữ (55 tuổi) cũng ảnh hưởng đến công tác đào tạo, quy hoạch và đề bạt cán bộ nữ. “Thời gian phấn đấu của nữ hạn chế hơn nam do mất thời gian sinh đẻ và nuôi con, khi nữ tập trung lo cho sự nghiệp thì vấp phải quy định độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, đề bạt và luân chuyển...” Lãnh đạo của Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết.
Do đó, việc tăng các ứng viên nữ trong khi lựa chọn các vị trí lãnh đạo được xem là giải pháp thiết thực. “Một trong những bước cụ thể cần thực hiện là đảm bảo ít nhất 50% ứng cử viên là phụ nữ có trình độ.” Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam gợi ý. “Trong ba cuộc bầu cử trước, chỉ có 32 – 34% ứng cử viên là phụ nữ”.
Ngoài ra, việc xóa bỏ sự khác biệt tuổi về hưu có thể đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm, đào tạo, thăng tiến cho phụ nữ, từ đó, tăng số lượng nữ tham gia vào các vị trí cấp cao trong chính phủ. Đặc biệt, nam giới cần chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái để phụ nữ có thể tham gia vào các hoạt động chính trị và dịch vụ công, theo khuyến nghị của các nghiên cứu viên EOWP.
Minh An
(Nguồn: http://www.hanoitv.vn/Xa-hoi/Nu-lanh-dao-nhu-la-mua-dong/34339.htv)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi