Chủ động chuẩn bị để tham gia tích cực trong vai trò nữ đại biểu Quốc hội
Hà Nội ngày 4 tháng 4 năm 2016 - “Sẵn sàng để thành công" là chủ đề xuyên suốt của lớp tập huấn được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4-6 tháng 4 dành cho 50 nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội từ 10 tỉnh thành miền núi phía Bắc.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử 22 tháng 5, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức khoá tập huấn nhằm giúp các nữ ứng viên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng cho các hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương ứng cử. Những kiến thức, kỹ năng và sự tự tin thu được từ khóa học sẽ giúp các nữ ứng cử viên vượt qua “trần kính” và “tường kính” - những rào cản vô hình song tác động hữu hình đến sự phấn đấu và thành tích mà họ đạt được trên con đường sự nghiệp của mình.
Luôn trăn trở với việc nâng cao chất lượng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIII, một trong những giảng viên quan trọng của lớp tập huấn, cho rằng “tập trung nâng cao năng lực, trang bị các kiến thức, kỹ năng mềm đáp ứng được yêu cầu của vị trí, chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ tạo nền tảng để phụ nữ có cơ hội tham chính bền vững”.
Khóa học ba ngày trang bị cho những nữ ứng cử viên lần đầu này những kiến thức tổng quan về Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong các Luật hiện hành. Học viên cũng được giới thiệu về chương trình hành động, cách thức xây dựng một chương trình hành động hấp dẫn, cách thức trình bày chương trình đó một cách thuyết phục tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Các học viên đã chủ động vận dụng những hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm cùng nhau chuẩn bị chương trình hành động của mình. Nội dung làm việc với truyền thông được chính nhà báo Tạ Bích Loan, Giám đốc kênh truyền hình VTV6, Đài truyền hình Việt Nam, trực tiếp giảng dạy.
Nghị quyết số 11 năm 2007 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ “phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%”. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2015 quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”.
Trong đội ngũ lãnh đạo nhà nước cấp cao, hiện có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước. Ở cấp địa phương, nữ giới cũng dần tham gia ở những vị trí trước kia do nam giới nắm giữ, như là 3 Bí thư và 18 Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là nữ, một nửa số tỉnh, thành phố có nữ tham gia Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch HĐND, các cấp phó ở tỉnh, thành phố là nữ. 56/120 nữ đại biểu Quốc hội (46%) có sự thăng tiến về cương vị, tiến bộ về vị trí công tác. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31 tháng 3 năm 2016. Đây thực sự là tấm gương điển hình để nữ cán bộ tích cực phấn đấu đi đến thành công.
Ông Dennis Curry, trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng phòng Quản trị công, nhấn mạnh “Sự tham gia của nữ giới vào các vị trí lãnh đạo trong chính trị và hành chính công sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan chủ chốt. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách. Nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác đã cho thấy sự tham gia của phụ nữ ở các vị trí hoạch định chính sách thật sự đã nâng cao chất lượng hoạt động chung của các cơ quan công quyền”.
Kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của nữ đại biểu Quốc hội sẽ giúp họ tham gia chủ động hơn vào các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bà Điểu Huỳnh Sang, ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho biết: “Mặc dù chỉ chiếm 24.4% trong Quốc hội, song các nữ đại biểu khóa XIII đã tham gia tích cực vào các hoạt động, với 29,9% ý kiến chất vấn trực tiếp trên nghị trường Quốc hội; 33,52% ý kiến phát biểu về các chuyên đề giám sát tối cao; trung bình có 30% ý kiến ĐBQH nữ tham gia xây dựng luật, có kỳ họp lên đến hơn 50%”.
Nhóm Nữ nghị sĩ Quốc hội, được thành lập vào tháng 5 năm 2008, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động tại Quốc hội, đặc biệt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 40 dự án luật, bao gồm bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật An toàn Vệ sinh Lao động, bộ Luật Dân sự, bộ Luật Hình sự, Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND đã có những quy định cụ thể về tỷ lệ nữ ứng cử viên, quy định này đang được tích cực triển khai trong công tác bầu cử. Thành công đó là kết quả của sự nỗ lực liên tục của nhiều nữ đại biểu Quốc hội mà khởi đầu họ cũng đã trải qua quá trình học tập, tích lũy kiến thức như các nữ ứng cử viên ứng cử lần đầu trong khóa tập huấn ba ngày lần này.
“Sẵn sàng để thành công” là tài liệu tập huấn được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc xây dựng riêng dành cho các nữ ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Để hỗ trợ người học, một trang học tập trực tuyến tại địa chỉ www.sansangdethanhcong.com đã được xây dựng để bất kỳ ai quan tâm đến các nội dung trong cuốn tài liệu đều có thể thu xếp học phù hợp với điều kiện và thời gian của mình.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi