Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND

Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND

 

 

Sáng 25-2-2016, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tọa đàm về vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp.


Dự tọa đàm có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam cùng gần 90 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.      

Báo cáo đề dẫn, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền đã khẳng định việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, Tọa đàm hôm nay nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan thông tấn, báo chí về những hoạt động hướng tới kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.     

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh: Truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng theo nhiều cách để giúp tăng sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Truyền thông có sức mạnh để định hình các giá trị xã hội, các chuẩn mực giới và các ý tưởng, là một trong những công cụ quan trọng nhất đem lại sự thay đổi tích cực và phá vỡ những khuôn mẫu. Điều quan trọng là ngành công nghiệp truyền thông xây dựng sự hiểu biết và năng lực của chính mình để đưa ra các báo cáo nhạy cảm về giới và áp dụng các chính sách có ý thức để loại bỏ việc khắc họa những chân dung mang tính dập khuôn về phụ nữ như phụ nữ chỉ đóng vai trò của cấp dưới. Truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin cho các công dân về các cam kết của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu 35% đại biểu được bầu là phụ nữ trong cuộc bầu cử 2016. Phương tiện truyền thông có thể đóng vai trò to lớn trong việc làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ. Truyền hình, báo chí cần phải giúp làm hiện rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ như nhau trên truyền thông và các cơ hội xuất hiện bình đẳng trước công chúng của cả hai giới trong cả quá trình bầu cử.   

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Đông-ti-mo, Phi-líp-pin và Lào). 

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% Quốc hội khóa XIII. Trong vòng 20 năm (từ 1987 đến 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%. Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%; cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%. Nhiệm kỳ hiện tại, có 26/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 20-30%; cấp huyện có 8/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ HĐND cấp huyện từ 30% trở lên (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện); không tỉnh nào có tỷ lệ nữ HĐND cấp xã đạt 30%; thường trực HĐND, phụ nữ chủ yếu đảm nhận vị trí ủy viên thường trực (24,4%) hoặc phó chủ tịch (20,3%) và có 4/63 tỉnh có nữ làm chủ tịch HĐND. Có 35/63 tỉnh, thành phố không có nữ trong thường trực HĐND. 

Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gia đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% nữ trở lên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như Nghị quyết số 11 đã đặt ra. Để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp thì phải đảm bảo giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội chỉ có 31% ứng cử viên là nữ, trong đó, số ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%. Để hướng tới kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp khóa tới, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cùng với các cơ quan thành viên, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa. 

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nhìn nhận khó khăn trong việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí ra quyết định nói chung và Quốc hội, HĐND các cấp nói riêng. Hiện nay phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp; các yếu tố truyền thống, văn hóa, quan niệm và định kiến về giới vẫn còn tồn tại không chỉ từ xã hội, của gia đình, của nam giới đối với nữ giới mà còn của chính bản thân chị em.

Buổi Tọa đàm là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng khi chỉ còn gần 3 tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Minh Anh

(Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/thoisu/2016/9209/Vai-tro-cua-truyen-thong-nham-tang-cuong-su-tham-gia-cua.aspx)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 3819
  • Tổng lượt truy cập 5,933,072