Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính

 

Ngày 05-12-2014, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (Aecid) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính”. Tham dự hội thảo có đại diện nhà tài trợ Aecid và tổ chức PYD; đại diện lãnh đạo Ban VSTBPN của thành phố Đà Nẵng, đại diện các đối tác thực hiện dự án ở Việt Nam: Vụ Bình đẳng giới- Bộ LĐTBXH, Trường ĐH Lao động Xã hội; Sở Nội vụ và Hội LHPN TP Đà Nẵng; Sở Nội vụ và Hội LHPN Quảng Nam, Đại học Quảng Nam; và đại diện Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở LĐTBXH, Hội LHPN các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định.

 

Với mục tiêu đóng góp cho việc thực hiện quyền tham gia chính trị và việc thực hiện quyền công dân của phụ nữ, trong thời gian qua, Dự án đã triển khai rất nhiều hoạt động có ý nghĩa và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phụ nữ tham chính tại Việt Nam. Trong 4 năm qua, Dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: tăng cường  trao đổi thông tin giữa những người được hưởng quyền, các cơ quan công quyền và tổ chức quần chúng xã hội (ra mắt 3 website về bình đẳng giới và phụ nữ tham chính, 6 ấn phẩm về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, 20 hội thảo, diễn đàn, thành lập 1 nhóm liên kết phụ nữ tham chính tại Đà Nẵng, 1 mạng lưới giảng viên đại học dạy về giới, 1660 con người tham gia vào 20 cuộc đối thoại, diễn đàn, hội thảo); nâng cao năng lực xây dựng các mối liên kết giữa những người được hưởng quyền, các tổ chức công quyền và tổ chức chính trị xã hội (12 khóa đào tạo kỹ năng tổ chức hoạt động nhóm cho chi hội phụ nữ tại Đà Nẵng; tăng cường sự phối hợp và tham gia của phụ nữ tại cấp cơ sở trong việc đóng góp tiếng nói cho các chính sách của địa phương; 358 chi hội trưởng phụ nữ và cán bộ Hội PN được tập huấn các kỹ năng hoạt động nhóm và liên kết trao đổi thông tin); tăng cường năng lực cho phụ nữ thuộc khối công quyền (1 chương trình đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp, 1 cuốn sách của Nhóm liên kết phụ nữ tham chính của Đà Nẵng, xây dựng chính sách và đối thoại vì nền quản trị công minh bạch, dân chủ và bình đẳng giới; 12 giảng viên nguồn về kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp; 1250 nữ lãnh đạo được tập huấn về kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp tại 36 khóa học); tăng cường năng lực cho khối công quyền các cấp trung ương và địa phương; tăng cường năng lực cho phụ nữ giúp họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức về quyền phụ nữ trong chính trị và quyền công dân của phụ nữ...

 

 

Nhân dịp này, Dự án cũng ra mắt cuốn Sổ tay Truyền thông thúc đẩy  bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Cuốn sách đã nhận được sự đánh giá cao của những chuyên gia, các nhà truyền thông, đặc biệt là cán bộ truyền thông trong lĩnh vực giới.

 

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, Dự án đã tạo ra được sự thay đổi đáng kể về nhiều mặt, Bà Nguyễn Thị Kim Hồng- Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết: "Các hoạt động của Nhóm liên kết đã tạo cho cán bộ nữ từ nhiều lĩnh vực, vị trí công tác và tuổi đời khác nhau được giao lưu, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về công việc cũng như cuộc sống. Nhóm giúp cá nhân tôi cũng như các thành viên khác cảm thấy cởi mở, hiểu nhau, gắn kết và ủng hộ nhau hơn".

 

Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng nhận định: “Nhận thức của lãnh đạo ngành Nội vụ của thành phố Đà Nẵng đã thay đổi rất tích cực, thể hiện ở việc phân bổ tỷ lệ đào tạo, quy hoạch, và có nhiều cán bộ nữ giữ chức vụ cao hơn so với nhiệm kỳ trước”.

 

Rõ ràng là hoạt động truyền thông thúc đẩy phụ nữ tham chính trong những năm qua đã có một bước tiến đáng kể. Song, thực trạng tỉ lệ nữ tham gia chính trị vẫn còn thấp. Theo thống kê của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tháng 11/2014, tỉ lệ nữ trong đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ XIII (2011-2016) là 24,4 %, tỉ lệ nữ lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 27%. Trong khi đó tỉ lệ hoàn thành tốt công việc ở nữ là 86%, nam là 84%. Như vậy phụ nữ đang được trao quyền ít hơn nhưng lại có tiềm năng đóng góp được nhiều hơn.

 

Theo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Dù đã được những kết quả nhất định, song hoạt động truyền thông thúc đẩy phụ nữ tham chính tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, như: hoạt động truyền thông về BĐG trong lĩnh vực chính trị chưa mang tính thường xuyên; chủ đề truyền thông chủ yếu hướng về sự tham gia của phụ nữ trong quản lý, lãnh đạo; truyền thông chủ động trên các phương tiện thông tin đại chúng: phần lớn mô tả phụ nữ trong mối quan hệ với gia đình; nghề nghiệp của phụ nữ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, xã hội, trong khi nam giới là chính trị gia hay nhân viên chính phủ, thiếu hoạt động truyền thông kêu gọi nam giới chia sẻ với phụ nữ”. Theo ông Tiến, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do  cán bộ trực làm công tác bình đẳng giới còn yếu và còn thiếu các kiến thức về kỹ năng truyền thông cơ bản: xây dựng kế hoạch truyền thông, thông điệp, chiến dịch….; phóng viên/ cơ quan truyền thông khi đưa tin, viết bài còn chưa chú ý, quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới.

 

Vậy, cần những giải pháp nào trong thời gian tới, để nâng cao tỉ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước tăng lên?

 

Theo ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, theo các kết quả thống kê cho thấy phụ nữ và nam giới có trình độ ngang nhau, tỉ lệ nữ và nam cán bộ công chức ngang nhau, tỉ lệ thi tuyển công chức cán bộ nữ xuất sắc nhiều hơn nam, như vậy phụ nữ có đầy đủ trình độ và năng lực để vào chính trường, vậy vấn đề còn lại là gì? Đóng góp cho việc tìm giải pháp của vấn đề này, nhiều đại biểu tham gia hội thảo đã có những phát biểu khá rõ ràng, thực tế. Theo Bà Trương Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam thì "không cần đầu tư cho việc thúc đẩy phụ nữ tham gia công tác xã hội cộng đồng nữa, vì trong thực tế thì phụ nữ đã rất nhiệt tình tham gia các công tác ở cộng đồng với tỉ lệ rất đông. Vì vậy, vấn đề cần tập trung đẩy mạnh chính là vấn đề  phụ nữ tham chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chính trị". Theo ông Nguyến Minh Tuấn – Phó Ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Ngãi: “Để thúc đẩy phụ nữ tham chính thì không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền mà cần có cơ chế chế chặt chẽ hơn. Trung ương  và địa phương nên có sự tính toán kỹ càng về chỉ tiêu, số lượng, tuổi tác để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển”.

 

Bà Bùi Diệu Thanh – Nguyên giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch UBND Quận Thanh Khê chia sẻ kinh nghiệm tham gia chính trị của bản thân: “Nếu lãnh đạo không tạo cơ hội thì sẽ khó để phụ nữ phát triển. Thế nhưng, bản thân người phụ nữ cần phải biết phấn đấu như thế nào để người ta tin mình, bố trí cho mình, tức là phải biết tạo ra những cơ hội để người ta biết đến mình, công nhận mình; nếu được bầu thì phải cho nhân dân thấy được bầu mình lên để đem lại lợi ích cho họ thì khóa sau họ mới tiếp tục bầu cho mình

 

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Xuân Thắng- Thành ủy viên, Ủy viên thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng nhận định: “Chắc chắc đối với nhiều phụ nữ, chức vụ, chức danh, địa vị không phải là mục tiêu phấn đấu duy nhất của cuộc đời họ nhưng nếu có những người phụ nữ lãnh đạo tốt trên chính trường, nhiều gương phụ nữ “tham chính” thì điều đó chính là động lực để thúc đẩy cho nhiều người phụ nữ khác phấn đấu học tập, lao động tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đồng thời, với một tỷ lệ nữ lãnh đạo ngày càng tăng sẽ là sự thể hiện đầy đủ hơn kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền đối với phụ nữ”.


 

Tổng kết dự án, phát biểu bế mạc chương trình Hội thảo, Bà Frances Galache - Trưởng đại diện tổ chức PYD tại Hà Nội đã đúc kết: "Mỗi một kết quả được trình bày hôm nay sẽ là một hạt giống cho một cây lớn ngày mai. Hạt giống này chúng ta có thể cùng ươm mầm, chăm bón để tương lai cùng thu hoạch một kết quả tươi tốt. Và khi cây này lớn mạnh lên có thể nhân rộng ra bằng cách phát tán hạt giống để cho ra những cây tốt hơn, hiệu quả hơn. Để tạo thành một thành công lớn trong tương lai, chúng ta cần tăng cường và mở rộng mạng lưới trong 4 năm qua"./.

 

(Nguồn: http://phunudanang.org.vn/vn/1960-hoi-thao-chia-se-kinh-nghiem-thuc-day-binh-dang-gioi-trong-tham-chinh.html)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 4019
  • Tổng lượt truy cập 5,723,595