Bảo đảm bình đẳng giới trong hai dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân

Bảo đảm bình đẳng giới trong hai dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân

 

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu và thông qua 18 dự thảo luật, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND). Để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn đóng góp ý kiến trước Quốc hội, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về những nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong hai dự thảo Luật này.


Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết Việt Nam hiện nay đã có những chủ trương, chính sách, pháp luật khá hoàn thiện về bình đẳng giới như: Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… Tuy nhiên, trong những nhiệm kỳ gần đây, số lượng và tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội giảm, HĐND các cấp có xu hướng tăng nhưng không đạt chỉ tiêu đề ra. Chính vì vậy, Chủ tịch Hội mong muốn, qua hội thảo tham vấn này sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị giải pháp của các đại biểu để Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, có tiếng nói trong phiên họp Quốc hội sắp tới, góp phần đảm bảo yếu tính bình đẳng giới trong hai Dự thảo Luật Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.


Đã có khá nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo. Các đại biểu đã đi từ thực trạng tỷ lệ nữ đang tham gia HĐND các cấp, Quốc hội hiện nay để tìm hiểu, phân tích nguyên nhân vì sao tỷ lệ nữ chưa đạt như yêu cầu, mong muốn cũng như những vấn đề thách thức trong lồng ghép giới ở hai Dự thảo Luật này. Đa số các đại biểu nhất trí, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND thấp do chất lượng, tính đại diện của đại biểu nữ chưa cao vì nữ ứng cử viên phải “gánh” cùng một lúc nhiều cơ cấu như trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc…; tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo không cao, tham gia chuyên trách thấp nên ảnh hưởng tới tiếng nói của phụ nữ trong ra quyết định; nhiều đại biểu nữ không được cơ cấu vào thành viên của Hội dồng dân tộc, UB Quốc hội; hiện tượng bố trí ứng cử viên nữ là “quân xanh”, phân bổ ứng cử viên trong các đơn vị không khách quan; công tác giám sát trên quan điểm giới, lồng ghép giới chưa được quan tâm, chú trọng…


Từ cơ sở nghiên cứu luật pháp, thực tiễn, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị trực tiếp vào hai Dự thảo Luật trên với mong muốn thực hiện được bình đẳng giới, đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Cụ thể như: phải luật hóa, có chỉ tiêu chính thức, cụ thể trong luật về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND (từ 30-35%); quy định có ít nhất 1 nữ trong thường trực HĐND, trong đoàn đại biểu Quốc hội đang sinh sống tại địa phương; đảm bảo cân bằng về giới tính khi phân bổ số lượng các ứng cử viên trong từng đơn vị; quy định 1 ứng cử viên không được gánh quá hai cơ cấu; các cơ quan phụ trách công tác bầu cử phải có số lượng nữ tham gia phù hợp để có tiếng nói và thực hiện được giám sát trong quá trình bầu cử; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo tỷ lệ nữ đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm, vi phạm bình đẳng giới và phân biệt đối xử trong bầu cử; có quy định chính sách đặc thù phù hợp hỗ trợ các đại biểu nữ đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thực hiện nhiệm vụ; quy định rõ hơn về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác hiệp thương, giới thiệu nhân sự.


Bên canh đó, các đại biểu cũng cho rằng để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới đề ra, cần có sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy Đảng; sự nhận thức đúng đắn, vào cuộc của các cấp, các ngành; Hội LHPN cần quyết liệt, thể hiện rõ vai trò của mình trong thúc đẩy, tham gia thực hiện, giám sát vấn đề bình đẳng giới, đảm bảo tỷ lệ nữ…


Đánh giá cao sự tâm huyết, những ý kiến đóng góp thẳng thắn cũng như những giải pháp, kiến nghị đề xuất của các đại biểu tham gia hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trân trọng tiếp thu để nghiên cứu, trên cơ sở đó có tiếng nói đóng góp trước Quốc hội về hai Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

 

http://hoilhpn.org.vn/newsdetail.asp?CatId=113&NewsId=21520&lang=VN

 


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Lượt truy cập
  • Hôm nay 346
  • Tổng lượt truy cập 5,933,893