Ngày 31/10/2014, tại Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tọa đàm bàn giải pháp tăng tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia trong hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tọa đàm là hoạt động trong kế hoạch năm của dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” do Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện, nhằm thúc đẩy nữ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn nữa vào khu vực nhà nước.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hà Hùng-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí H’Ngăm Niê Kdăm - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Phạm Thế Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đại diện dự án. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban ngành, các đại biểu là nữ DTTS tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Thế Dũng nhấn mạnh: Tỉnh Gia Lai có chính sách dân tộc lâu dài về đào tạo cho học sinh dân tộc, ưu tiên cho học sinh là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ dân tộc đã tốt nghiệp các trường có trình độ từ trung cấp trở lên theo từng ngành được ưu tiên xét tuyển công chức. Đào tạo và sử dụng cán bộ xã có năng lực và sở trường tham gia công tác xã hội, các phong trào tại địa phương, có nguyện vọng tham gia làm việc tại xã, sau đó đào tạo để đủ trình độ và có năng lực công tác tại xã để đáp ứng công việc được giao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các báo cáo tham luận đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ công chức nữ dân tộc thiểu số đang công tác trong hệ thống chính trị tại các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Theo các con số thống kê hiện tại, tỷ lệ cán bộ nữ người DTTS tham gia trong hệ thống chính trị là rất thấp, tương ứng như sau: 1/16 thành viên Bộ Chính trị; 4/200 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 36/500 Đại biểu Quốc hội khoá 13; chỉ có 3 Trưởng Ban Dân tộc, 9 Phó Trưởng Ban Dân tộc các tỉnh là nữ DTTS; gần 20 DTTS không có đại diện là nữ trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước… Riêng tại tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 9 năm 2014, số lượng công chức, cấp tỉnh, huyện là 1.923 người, trong đó có 363 người là người DTTS (chiếm 18,9%), số công chức là nữ DTTS là 65 (chiếm 3%); tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 1.689 người, trong đó chỉ có 399 là nữ (chiếm 24%), hiện vẫn chưa có các con số thống kê cụ thể về số cán bộ công chức là nữ DTTS cấp xã.
Các đại biểu dự hội nghị cũng đã đề xuất một số giải pháp như: Cần thay đổi nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác cán bộ đối với cán bộ nữ DTTS; Chính quyền các cấp cần mạnh dạn làm tốt công tác quy hoạch, chi tiết và bài bản, nghiêm túc, chủ động tham mưu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách cán bộ nữ DTTS; Có các chính sách đặc thù ưu tiên riêng cho cán bộ nữ DTTS; Nâng cao dân trí để toàn xã hội nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của nữ giới nói chung, nữ là người DTTS nói riêng; Đề xuất các giải pháp đồng bộ, người phụ nữ DTTS phải tham nhiều hơn nữa các lĩnh vực khác của xã hội; Nâng cao nhận thức của phụ nữ DTTS để tự tin vươn lên trong mọi mặt…/.
Tổng hợp từ:
http://bandantoc.kontum.gov.vn/Tin-t%E1%BB%A9c/Tin-chuy%C3%AAn-ng%C3%A0nh/ItemID/673/View/Details.aspx
Bình luận từ Facebook
Phản hồi